Trong thời đại số hóa, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, người dân có thể thực hiện nhiều việc như đăng ký khám bệnh, thanh toán điện nước, wifi, hay học hỏi kiến thức, tìm việc làm… Nhưng bên cạnh những tiện ích rõ ràng ấy, không gian mạng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều cạm bẫy mà nếu không biết cách phòng tránh, người dân có thể bị mất thông tin, mất tiền, thậm chí vướng vào rắc rối pháp luật.
Đây là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước – trong đó có tỉnh Bình Phước – nơi mà chuyển đổi số đang len lỏi về tận thôn, bản, nhưng nhiều người dân, nhất là người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh,… vẫn còn hạn chế về kiến thức an toàn thông tin.
Ví dụ như vừa qua, có Ông H, 63 tuổi, một hôm nhận được tin nhắn từ người tự xưng là “Công an Tỉnh”, yêu cầu cung cấp thông tin căn cước để xác minh tài khoản ngân hàng. Tin tưởng vì thấy có kèm logo ngành công an và số điện thoại, ông H. làm theo hướng dẫn. Chỉ trong vòng 15 phút, tài khoản ngân hàng của ông bị rút sạch 46 triệu đồng – toàn bộ tiền tích góp nhiều năm. Hay Chị D, công nhân khu công nghiệp tại Đồng Xoài, bị dụ tải về một ứng dụng “việc làm online lương cao”, điền toàn bộ thông tin cá nhân, bao gồm CCCD và thẻ ATM. Sau đó, tài khoản chị bị chiếm quyền kiểm soát, liên tiếp thực hiện các giao dịch vay tiền qua app.
Những vụ việc trên không còn xa lạ và có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu chúng ta thiếu kiến thức về bảo mật cá nhân. An toàn thông tin là kỹ năng mỗi người dân sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội đều phải biết. Bởi thông tin cá nhân là thứ dễ bị khai thác nhất, nhưng lại khó lấy lại nếu đã bị xâm phạm.
Các loại thông tin cá nhân dễ bị lợi dụng bao gồm:
- Họ tên, ngày sinh, số CCCD/CMND.
- Số tài khoản ngân hàng, mã OTP, thông tin thẻ tín dụng.
- Mã số bảo hiểm xã hội, mã định danh y tế.
- Tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok…).
- Ảnh cá nhân, giọng nói, video...
Nếu những thông tin này bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép, người dân có thể bị: Giả mạo để đi vay tiền; Bị đe dọa, tống tiền, lừa đảo người thân; Bị phát tán hình ảnh riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự...
Việc người dân cần làm ngay để tự bảo vệ mình:
- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, thông tin thẻ, mật khẩu cho bất kỳ ai – kể cả người tự xưng là công an, ngân hàng, nhân viên nhà mạng.
- Không nhấp vào các đường link lạ nhận qua tin nhắn, Facebook, Zalo. Nhiều đường link chứa mã độc, đánh cắp thông tin hoặc điều hướng đến trang giả mạo.
- Không đăng công khai ảnh giấy tờ tùy thân, mã QR, vé máy bay, thông báo từ ngân hàng lên mạng xã hội.
- Sử dụng mật khẩu mạnh, có chữ hoa – chữ thường – số – ký tự đặc biệt, và không dùng chung một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
Không gian mạng tuy vô hình nhưng tác động đến cuộc sống rất thật. An toàn thông tin không chỉ là giữ mật khẩu, mà là bảo vệ chính nhân phẩm, tài sản, tương lai của mỗi người dân. Chỉ khi người dân hiểu và biết cách bảo vệ mình, thì tiến trình ấy mới vững bền, an toàn, và nhân văn.