Trong thời đại số hóa nhanh chóng, mỗi người dân đang trở thành một “công dân số” với sự hiện diện liên tục trên internet, từ việc sử dụng mạng xã hội, thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến, đến khai thác dịch vụ công điện tử như đăng ký giấy tờ, tra cứu hồ sơ, học tập và khám chữa bệnh. Đặc biệt tại tỉnh Bình Phước, nơi đang tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số toàn diện theo Đề án 06 của Chính phủ và Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bình Phước, thì an toàn thông tin cá nhân và dữ liệu số của người dân ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Mạng internet đem lại tiện lợi chưa từng có cho người dân: không cần ra khỏi nhà vẫn có thể đóng thuế, xin giấy khai sinh, khám bệnh từ xa, chuyển tiền, học online… Tuy nhiên, sự thiếu cảnh giác hoặc chưa hiểu đúng về các mối đe dọa trên môi trường mạng có thể khiến chúng ta rơi vào bẫy lừa đảo, đánh cắp thông tin, tống tiền hoặc mất tài sản.
Thực tế cho thấy, thời gian qua các vụ lừa đảo qua mạng có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, tội phạm lợi dụng một số người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ nội trợ, sinh viên – vốn ít có điều kiện tiếp cận thông tin bảo mật – đã trở thành nạn nhân, thiệt hại hàng chục triệu đồng, thậm chí bị lợi dụng làm trung gian trong các hoạt động phi pháp.
An toàn thông tin không đơn thuần là vấn đề công nghệ. Đó là vấn đề của nhận thức cá nhân và thói quen sử dụng mạng. Dù có nhiều công nghệ bảo mật hiện đại, nhưng nếu người dùng chủ quan, dễ dãi chia sẻ dữ liệu cá nhân thì mọi lớp bảo vệ đều trở nên vô nghĩa.
Mỗi người dân cần hiểu rằng: thông tin cá nhân, như số CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại, hình ảnh, vị trí, mã OTP – là tài sản số và cần được bảo vệ như tài sản vật chất. Mỗi lần chia sẻ thông tin này lên mạng xã hội, khai báo trên website lạ, hoặc để người khác truy cập vào điện thoại/máy tính mà không cẩn trọng, là chúng ta đang tự mở cửa cho tội phạm mạng.
Để bảo vệ an toàn thông tin trong cuộc sống số, người dân Bình Phước được khuyến cáo thực hiện các hành động thiết thực sau:
- Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền khi nhận được yêu cầu qua điện thoại, email, tin nhắn lạ – đặc biệt là những thông báo có tính khẩn cấp, đe dọa như “vi phạm pháp luật”, “bị kiện”, “nợ phí”.
- Luôn xác minh nguồn tin trước khi chia sẻ lên mạng xã hội. Tin giả, tin xuyên tạc hiện lan rất nhanh và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
- Tạo thói quen sử dụng mật khẩu mạnh, có chữ viết hoa, số và ký tự đặc biệt; thay đổi định kỳ và không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
- Cài đặt phần mềm diệt virus, ứng dụng chính hãng.
- Cha mẹ nên kiểm soát hoạt động internet của trẻ em, hướng dẫn các em tránh các trang web không phù hợp, không kết bạn với người lạ, không chia sẻ hình ảnh nhạy cảm.
- Trên địa bàn tỉnh, có thể tham khảo thông tin từ các kênh chính thống, như: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Phước tại địa chỉ https://binhphuoc.gov.vn/, các tài liệu tuyên truyền của Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin trên báo Bình Phước.
Bảo vệ thông tin không chỉ là việc của cá nhân, mà là trách nhiệm chung của cả xã hội. Khi một người trong cộng đồng bị tấn công, lừa đảo thành công, thì đó có thể là khởi đầu của một chuỗi liên kết dẫn đến nhiều người khác. Mỗi công dân số tại tỉnh Bình Phước hôm nay không chỉ là người thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số, mà còn là một “người gác cổng” cho an toàn thông tin - bắt đầu từ chính mình. Khi chúng ta biết bảo vệ dữ liệu cá nhân, cảnh giác với các rủi ro mạng và chia sẻ kiến thức cho người xung quanh, chúng ta đang góp phần xây dựng một xã hội số an toàn, văn minh và đáng tin cậy.