Chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ với người dân nông thôn. Tại nhiều xã của tỉnh, người dân đã bắt đầu sử dụng ứng dụng nông nghiệp thông minh, thanh toán điện tử, đăng ký dịch vụ công trực tuyến, kinh doanh qua mạng xã hội. Những thay đổi ấy đang từng bước hiện đại hóa đời sống, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng sống.
Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích đó là nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng – đặc biệt khi người dân chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các rủi ro số.
Điển hình như một số hộ nông dân được mời tham gia “sàn thương mại điện tử nông sản” do người lạ giới thiệu. Họ được yêu cầu gửi CCCD, ảnh cá nhân và nộp trước một khoản “phí kết nối”. Sau đó, các đối tượng bỏ trốn, để lại hậu quả là thông tin cá nhân bị lộ lọt, tài khoản ngân hàng bị truy cập trái phép.
Không ít người dân lớn tuổi tại vùng sâu lúng túng khi nhận tin nhắn “báo phạt nguội”, “xác minh thuế”, “thông báo ngân hàng” – trong đó có chứa đường link lừa đảo hoặc mã độc đánh cắp dữ liệu.
Có thể từ một số nguyên nhân sau:
- Thiếu kiến thức số: Nhiều người dân chỉ biết sử dụng điện thoại cơ bản, không nhận diện được các hình thức lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi, mạng xã hội
- Tin người quen giới thiệu: Lừa đảo thường núp bóng người thân, hàng xóm hoặc cán bộ xã, dễ tạo lòng tin.
- Không có thói quen bảo vệ dữ liệu cá nhân: Dễ chia sẻ ảnh CCCD, sổ hộ khẩu, mã OTP, thông tin ngân hàng.
- Thiết bị không được bảo vệ đúng cách: Dùng điện thoại cũ, không cập nhật phần mềm, không đặt mật khẩu hoặc tải ứng dụng ngoài luồng.
Mất an toàn thông tin – hậu quả không chỉ là tiền bạc. Việc để lộ thông tin cá nhân có thể dẫn đến:
- Bị vay tiền, mở thẻ tín dụng, cầm cố tài sản “ảo” đứng tên mình.
- Bị chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội – từ đó lừa đảo bạn bè, người thân.
- Bị đánh cắp thông tin nông sản, hợp đồng, quy trình sản xuất – ảnh hưởng đến kinh doanh.
- Bị gài mã độc vào thiết bị – mất quyền kiểm soát điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Nhiều người dân sau khi bị lừa không biết cách tố giác, hoặc ngại báo công an vì xấu hổ. Chính điều này tạo điều kiện để tội phạm công nghệ lặp lại chiêu trò ở nơi khác.
Người dân có thể bắt đầu từ những bước đơn giản:
- Không cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, Zalo, Facebook.
- Chỉ dùng các ứng dụng được xác nhận từ cơ quan nhà nước (VD: VNeID, VSSID, Cổng dịch vụ công quốc gia).
- Không tin vào những cuộc gọi thông báo trúng thưởng, hoàn tiền, yêu cầu “chuyển trước – nhận sau”.
- Nếu nghi ngờ bị lừa, hãy báo ngay cho trưởng thôn hoặc công an xã.
Muốn chuyển đổi số thành công tại nông thôn, trước hết người dân phải được “trao chìa khóa an toàn” để tự bảo vệ mình. Khi người dân biết cách dùng mạng thông minh, biết tránh các bẫy thông tin, biết bảo vệ dữ liệu cá nhân – đó mới là chuyển đổi số thật sự bền vững. Tỉnh Bình Phước đang từng bước xây dựng mô hình “nông thôn số an toàn”, và mỗi người dân chính là một mắt xích quan trọng trong hành trình ấy.