Tội phạm mạng không còn là câu chuyện của tương lai hay của riêng ai. Những vụ việc bị đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản qua mạng, phát tán thông tin sai lệch… đã và đang xảy ra ngay tại các địa phương, trong đó có nhiều trường hợp ghi nhận trên địa bàn tỉnh. Những tình huống như vậy không hề xa lạ, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra do vẫn còn người dân thiếu nhận thức và kỹ năng phòng tránh trên không gian mạng.
Trong bối cảnh đó, việc chủ động bảo vệ thông tin cá nhân không chỉ là một lựa chọn, mà là trách nhiệm thiết yếu của mỗi công dân số. Chúng ta có thể hình dung: nếu mỗi người đều biết cách giữ gìn tài sản số của mình như cách ta giữ tiền trong ví hay khóa cửa nhà mỗi tối, thì tội phạm mạng sẽ khó có cơ hội hoạt động.
Dữ liệu cá nhân – như CCCD, mã BHXH, tài khoản ngân hàng, mật khẩu... là “tài sản số” quý giá. Một khi rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể bị dùng để vay tiền, mở thẻ tín dụng, hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo, bôi nhọ, tống tiền.
Dưới đây là những khuyến cáo phù hợp với thực tế, được rút ra từ hướng dẫn của các cơ quan và thực tiễn tại địa phương:
- Bảo mật thiết bị cá nhân: Đặt mã khóa cho điện thoại và máy tính; Cập nhật phần mềm, hệ điều hành và phần mềm diệt virus thường xuyên...
- Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm: Không đăng tải ảnh giấy tờ tùy thân, vé máy bay, tài khoản ngân hàng; Cài đặt quyền riêng tư hợp lý, không chấp nhận kết bạn với người lạ; Tự kiểm tra thông tin trước khi chia sẻ để không tiếp tay phát tán tin giả.
- Cẩn trọng với các giao dịch và thông báo điện tử: Xác minh kỹ khi nhận được tin nhắn, email có nội dung yêu cầu chuyển tiền, cung cấp mã OTP; Truy cập đúng trang chính thức của cơ quan nhà nước khi sử dụng dịch vụ công...
Khi mỗi người dân - từ học sinh, công nhân, nông dân đến - đều có thể nói “Tôi biết tự bảo vệ thông tin của mình”, thì đó chính là bước tiến quan trọng để xây dựng một xã hội số an toàn - văn minh - nhân văn.