Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cùng nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục ghi nhận các vụ người dân bị lừa đảo thông qua mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, hoặc qua các trang web giả mạo. Đối tượng bị hại không còn giới hạn ở người lớn tuổi hay người không biết công nghệ; mà nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên, người đang tìm việc làm...
Chị T, 55 tuổi, một tiểu thương ở Chợ, nhận được tin nhắn từ “bưu điện” thông báo đang giữ một kiện hàng quan trọng. Người gửi yêu cầu chị cung cấp tên, số CCCD và ảnh thẻ để làm thủ tục nhận. Sau đó, một tài khoản lạ xưng là "đại diện pháp luật" gọi video, gửi lệnh bắt giữ giả và yêu cầu chị chuyển khoản để chứng minh vô tội. Chị T. hoảng loạn, làm theo và mất trắng 28 triệu đồng.
Một học sinh lớp 11 bị dụ tham gia “việc nhẹ lương cao” trên Zalo. Em được hứa “nhận tiền trước – làm việc sau” và được gửi một đường link tải ứng dụng. Sau khi cài đặt, tài khoản Facebook và Zalo của em bị chiếm đoạt, kẻ gian dùng chính các tài khoản này nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè và lừa được hơn 10 triệu đồng.
Các hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay mà người dân dễ gặp phải bao gồm:
- Giả danh cơ quan nhà nước (Công an, Tòa án, Bưu điện, điện lực...) để yêu cầu người dân chuyển tiền “xác minh” hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
- Giả mạo người thân mượn tiền qua Zalo, Facebook, Messenger. Tội phạm sử dụng ảnh đại diện, cách xưng hô quen thuộc để tạo lòng tin.
- Chiêu trò tuyển dụng, đầu tư online, nhận việc từ xa: Mời gọi người dân “làm nhiệm vụ”, “click để nhận tiền”, “thử việc có thưởng”. Tất cả đều dẫn đến tải app lạ hoặc chuyển tiền trước.
- Lừa đảo trúng thưởng, từ thiện, hoàn tiền ngân hàng, nhận quà từ nước ngoài: Các chiêu này đánh vào lòng tham hoặc lòng tin, khiến người dân chuyển tiền phí để “nhận quà”.
Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân cần trang bị những kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ thiết yếu trong sử dụng mạng xã hội và công nghệ số:
- Không chuyển tiền theo yêu cầu qua mạng xã hội, điện thoại, dù người đó xưng là người quen, công an hay cơ quan Nhà nước. Hãy gọi điện trực tiếp để xác minh.
- Không bấm vào đường link lạ hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Nếu nghi ngờ, hãy hỏi người thân am hiểu công nghệ hoặc đến UBND xã/phường để nhờ tư vấn.
- Không cung cấp thông tin cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng, hình ảnh cá nhân...) cho người lạ trên mạng.
- Luôn đặt mật khẩu mạnh cho điện thoại, mạng xã hội; bật xác thực hai bước; và thường xuyên kiểm tra hoạt động đăng nhập lạ.
Không gian mạng là nơi kết nối, chia sẻ và phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu chúng ta chủ quan. Bảo vệ an toàn thông tin không phải là chuyện xa xôi hay kỹ thuật phức tạp, mà chính là sự cảnh giác và hiểu biết mỗi ngày. Tỉnh Bình Phước đang quyết tâm xây dựng cộng đồng số an toàn – nơi mà người dân là chủ thể, vừa được hưởng lợi ích công nghệ, vừa được bảo vệ vững chắc khỏi mọi chiêu trò lừa đảo.