Giờ ra chơi, tôi thường ngồi một chỗ, tranh thủ làm bài để về nhà còn thổi cơm, nấu cám phụ bố mẹ. Những lúc ấy, bạn thường lại gần trò chuyện, phụ tôi vài việc nhỏ. Cứ thế, chúng tôi thân thiết lúc nào không hay.
Mùa đông rét mướt, Huyền đều mang ngô rang tới lớp cho tôi. Bạn kể, tối mẹ rang ngô cho cả nhà ăn, bạn xúc trộm cất đi, sáng hôm sau trút đầy vào hai túi quần xanh chéo. Thế là giờ ra chơi hai đứa có thứ lai rai. Ngày đông áo mỏng, dạ dày tôi được lấp đầy, cơ thể ấm lên nhờ bạn.
Tôi nhớ nhất kỷ niệm năm học lớp hai. Lần ấy, cô giáo nhắc tuần sau có tiết dự giờ, cả lớp nhớ mang bảng gỗ để viết. Cô dặn, phải là bảng gỗ vuông vắn, đẹp mắt. Tôi lo lắng, tủi thân muốn khóc vì sợ bảng xấu, cô đuổi ra khỏi lớp. Ngày thường tôi cũng có bảng, nhưng chỉ là một tấm gỗ thừa nho nhỏ, méo mó; bề mặt lờm xờm, viết rất lâu. Tấm gỗ này, bố tôi xin được bên nhà hàng xóm làm thợ mộc. Mỗi lần cô giáo yêu cầu lấy bảng ra để viết, tôi đều rất ngại ngùng. Các bạn đều có chiếc bảng gỗ màu đen sơn bóng loáng; chỉ cần đưa nhẹ tay, nét chữ đã hiện ra, đưa nhẹ giẻ là lau sạch hết nét phấn trên bảng. Còn tôi, cứ loay hoay, hì hục mãi với tấm gỗ xấu xí kia.
Như biết nỗi lo của tôi, Huyền nói: “Đưa tớ chiếc bảng gỗ, tớ sẽ giúp cậu!”. Tôi nghe vậy liền đưa cho bạn, nhưng vẫn đầy ngờ vực. Huyền nói từ lâu đã muốn làm cho tôi một chiếc bảng gỗ trơn tru, nhưng thấy tôi mặc cảm nên bạn không dám nói gì.
Hôm sau, Huyền xòe ra trước mặt tôi một chiếc bảng vàng hươm, thơm mùi gỗ, bóng nhẵn. Chiếc bảng xinh xắn khiến tôi không tin là sự thật. Huyền kể, bạn đã đạp xe sang nhà ông ngoại, năn nỉ ông bào nhẵn và cưa các góc bảng cho vuông vắn, đợi ông làm xong rồi mới chịu đạp xe về. Cầm chiếc bảng trên tay, tôi ứa nước mắt mà thốt lên trong tim: “Sao Huyền tốt quá vậy?”.
Một lần khác, năm học lớp ba, cuối giờ, Huyền nói có món quà tặng tôi. Khi các bạn về hết, Huyền chìa ra cho tôi một gióng mía vàng óng. Hai đầu gióng mía dù nham nhở nhưng tôi vẫn cảm động lắm. Bạn kể, đây là mía mẹ nướng, bạn ăn hai gióng, còn một gióng giấu mẹ mang cho tôi. Tôi ngồi “chén” hết gióng mía mà thổn thức, không có gióng mía nào tôi được ăn ngọt như thế...
Năm tôi học lớp 4, anh em tôi phải đi hết đồng xa ruộng gần để mót mạ cho mẹ cấy, một lần vô tình lại gần ngay ruộng nhà Huyền. Bạn xin phép mẹ, rồi chèo thuyền ra giữa đầm rau muống liền kề. Tôi cứ ngẩn ra nhìn bạn, ngưỡng mộ vô chừng. Bạn thoăn thoắt hái những ngọn rau non mơn mởn, một lát đã đầy cả lòng thuyền. Rồi bạn lấy dây rơm buộc lại đưa tôi, mắt lấp lánh như sao: “Lát về, cậu chỉ cần rửa, rồi luộc ăn nhé!”. Trước sự quan tâm của bạn khiến tôi ứa nước mắt.
Tối đó, anh em tôi vác bao mạ trở về cũng là lúc trăng lên. Nhoáng nhoàng vào bếp, luộc mớ rau non, múc bát tương đợi bố mẹ về. Gắp từng ngọn rau giòn sần sật lên ăn, cả nhà đều thấy ấm lòng. Bố tôi trầm tư: “Con đừng để đánh mất người bạn tốt thế này, con nhé!”.
Nhưng chúng tôi đã “lạc” nhau, khi tôi đỗ trường chuyên, rồi được giải quốc gia năm lớp 9…
Cuộc đời có nhiều ngã rẽ. Đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, tôi vẫn ứa nước mắt khi nhớ về Huyền. Tôi vẫn mường tượng rất rõ trong một khoảng trời pha lê, bạn đứng đó, mỉm cười, đưa tôi chiếc bảng gỗ, gióng mía vàng óng và mớ rau muống xanh non, mắt bạn lấp lánh như sao trời!
Tác giả: Trần Luân
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn