Bài hát “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên, mỗi khi cất lên, tiếng đồng vọng từ quá khứ lại trở về, một quá khứ rất đỗi đau thương nhưng không kém phần hào hùng của dân tộc Việt Nam ta. Nó là lời nhắc nhở đối với những người đang sống về một sự biết ơn vô bờ trước những hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, chân phương mà cũng rất đỗi thiết tha, mãnh liệt đối với các thế hệ con cháu mai sau của dân tộc phải thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.
Lời bài hát khắc họa nên hình ảnh đất nước rất gần gũi như tình cảm gắn bó giữa hậu phương hướng về tiền tuyến, những mất mát hy sinh, những nỗi đau, những ân tình của Mẹ: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nổi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im”
Trong suốt 40 năm qua (bài hát ra đời năm 1984), những ca từ trong ca khúc đã làm thổn thức bao trái tim của những người con đất Việt mỗi khi nhớ về mẹ, về quê hương, về đất nước rất đỗi thiêng liêng của dân tộc: “Xin hát về người đất nước ơi/ Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi/ Suốt đời lam lũ/ Thương lũy tre làng bãi dâu, bến nước/ Yêu trọn tình đời muối mặn, gừng cay”
Tiếp nối nguồn cảm xúc, lời thơ trong bài hát đã khắc họa hình ảnh đất nước trong những điều bình dị nhất như “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “câu hò”, “tiếng sáo”, “tiếng mẹ ru con”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”…rất đỗi hiền hòa và bình dị. Nhưng những điều bình dị ấy lại vô cùng lớn lao, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc để qua đó ta mới thấy được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của người mẹ, để giữ cho đất nước trường tồn mãi mãi: “Đất nước tôi/ Từ thuở còn nằm nôi/ Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa/ Lao xao trưa hè một giọng ca dao/ Xin hát về người đất nước ơi/ Xịn hát về mẹ Tổ quốc ơi/ Mấy mùa không ngủ/ Ngăn bước quân thù, phía Nam, phía Bắc/ Vai mẹ lại gầy gánh gao nuôi con/ Xin hát về người, đất nước ơi/ Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi/ tảo tần chung thủy/ Như những câu hò lắng trong tiếng sáo/ Đêm lạnh dặt dìu tiếng mẹ ru con”.
Mỗi khi chúng ta nói đến mẹ là chúng ta nói đến những gì vĩ đại nhất, những tình cảm sâu đậm nhất với thiên chức của mình, các mẹ đã chịu sự hy sinh vô cùng cao đẹp cho Tổ quốc và chịu đựng bao hy sinh để cho chồng con lên đường cứu nước. Và tất cả chúng ta không thể quên công lao của người mẹ, nhất là những người mẹ có con hy sinh vì Tổ quốc…Mẹ đã nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực cho cách mạng đánh giặc. Mẹ là vậy, tình riêng mẹ vẹn, tình chung mẹ tròn. Đối với cách mạng tuy còn nhiều gian khổ nhưng mẹ vẫn hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa cho cách mạng nước nhà: “Xin hát về người đất nước ơi/ Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi/ Vẫn còn gian khổ/ Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói/ Ta bạn vẹn tình đắng ngọt cùng vui”.
Bài hát kết thúc với những điệp khúc “Đất nước tôi, Đất nước tôi…” vẫn còn vang vọng mãi như khắc vào ngàn năm tượng đài những người đã làm rạng danh Đất nước: Đó là mẹ, là các anh và cả chúng ta ngày hôm nay. Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở, nhưng cũng thật dịu dàng và bình yên trong hình ảnh ánh trăng vào cửa sổ đòi thơ, bình yên và sáng ngời bởi những con người biết làm sáng hình đất nước: “Đất nước tôi, Đất nước tôi, Đất nước tôi/ Sáng ngời muôn thuở/ Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”
Có thể nói bài hát “Đất nước” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phổ thơ Tạ Hữu Yên đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa, là lời tri ân chân thành nhất, chạm tới chiều sâu nhân sinh trong lòng mỗi con người Việt Nam đối với Mẹ, đối với Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Chúng ta mơ ước và chúng ta thực hiện, Việt Nam anh hùng trong chiến đấu, đoàn kết trong trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…Việt Nam đất nước hơn bốn ngàn năm văn hiến sẽ mãi mãi trường tồn, mãi mãi tỏa sáng, vì giờ đây mỗi người Việt Nam dù làm gì, ở đâu vẫn đang tiếp tục góp sức mình cho nền độc lập và phát triển của đất nước góp sức đưa nước nhà phát triển đi lên, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ công, công bằng, văn minh.
Bài hát “Đất nước” sau khi ra đời đã được nghệ sỹ ưu tú Ngọc Tân thể hiện rất thành công, sau đến là nghệ sỹ ưu tú Quang Lý… và rất nhiều nghệ sỹ đã thể hiện, nhưng thành công hơn cả sau này là phần thể hiện của nghệ sỹ nhân dân Bích Việt và ca sỹ Trọng Tấn./.