Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. Dự án luật này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại khoản 1 Điều 90 của dự thảo luật quy định: “Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…”.
Lễ hội Phá bàu của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: T.L
Như vậy, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được đề xuất quy định như một hình thức xã hội hóa thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thông qua quy định về nội dung, hình thức, cơ chế khai thác, sử dụng di sản văn hóa, hợp tác công - tư trong lĩnh vực di sản văn hóa.
Di sản văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, tuy nhiên, trong đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền. Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc kêu gọi thành lập hay vận hành quỹ lại chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ song quy định chưa rõ nên rất khó thực hiện.
Nếu Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được luật hóa sẽ giúp giải quyết vướng mắc, khó khăn hiện nay của ngành di sản văn hóa. Từ đó, các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hay công tác sưu tầm các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt sẽ dễ dàng hơn.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn