Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật – động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
2025-05-20T04:48:51-04:00
2025-05-20T04:48:51-04:00
https://svhttdl.binhphuoc.gov.vn/vi/news/cong-tac-thanh-nien/doi-moi-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-moi-2327.html
https://svhttdl.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2025_05/a-hoi-nghi.jpg
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Phước
https://svhttdl.binhphuoc.gov.vn/uploads/quochuy_1.png
Chủ nhật - 18/05/2025 23:51
Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới". Đây là văn kiện quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển bền vững, toàn diện đất nước.
Mục tiêu trọng tâm
- Đến năm 2030: Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
5 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
- Xác định pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.
- Xây dựng pháp luật bám sát thực tiễn, mở đường, khơi thông nguồn lực, đưa pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh.
- Tập trung nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng văn hóa thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
- Ưu tiên đầu tư cho công tác xây dựng pháp luật, coi đây là đầu tư cho phát triển.
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
- Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật, nâng cao tính Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu.
- Đổi mới tư duy làm luật, thúc đẩy sáng tạo, tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
- Tạo đột phá trong thi hành pháp luật, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đẩy mạnh truyền thông và phổ biến pháp luật.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động định hình trật tự pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, ưu tiên đào tạo chuyên sâu, thu hút nhân tài vào khu vực công.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và thi hành pháp luật.
- Bảo đảm cơ chế tài chính đặc biệt, ưu tiên nguồn lực ngân sách và xã hội hóa hợp pháp cho công tác pháp luật.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn hệ thống chính trị
Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch hành động, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết số 66-NQ/TW. Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng về xây dựng nền pháp quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Mọi người dân, doanh nghiệp – chủ thể trung tâm của hệ thống pháp luật
Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", đảm bảo quyền được làm những gì pháp luật không cấm, thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, công bằng.
Nghị quyết số 66-NQ/TW không chỉ là kim chỉ nam cho công tác xây dựng pháp luật, mà còn là lời hiệu triệu đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Xem chi tiết Nghị quyết tại đây.