Kinh tế tư nhân – Trụ cột ngày càng quan trọng của nền kinh tế
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng: Gần 1 triệu doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động; Đóng góp khoảng 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hơn 80% tổng số lao động; Góp phần tích cực vào giảm nghèo, tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và ổn định xã hội.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn: quy mô nhỏ, năng suất thấp, năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ còn hạn chế, khó tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, nhân lực, dữ liệu...). Nguyên nhân chủ yếu là do tư duy, nhận thức chưa đầy đủ, thể chế pháp lý còn bất cập, chính sách chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả.
Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị:
- Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
- Phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao; phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực trong Nhân dân.
- Xóa bỏ định kiến, đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng.
- Tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
- Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy doanh nhân làm chủ thể, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước kiến tạo.
Mục tiêu đến năm 2030: 2 triệu doanh nghiệp, tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân; 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Kinh tế tư nhân đóng góp 55 - 58% GDP, giải quyết 85% lao động, tăng năng suất lao động 8,5 - 9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2045: 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP; Chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
- Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, khơi dậy tinh thần kinh doanh
+ Khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong toàn hệ thống chính trị.
+ Khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.
- Hoàn thiện thể chế, pháp luật, đảm bảo quyền sở hữu và tự do kinh doanh
+ Cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh, thời gian thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ.
+ Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận.
+ Phát triển pháp luật về kinh tế số, thương mại điện tử, tài sản ảo, trí tuệ nhân tạo...
- Tạo thuận lợi tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao
+ Phát triển hạ tầng mặt bằng sản xuất, ngân hàng dữ liệu đất đai quốc gia.
+ Phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
+ Đào tạo 10.000 CEO, phát triển đội ngũ doanh nhân có tri thức, bản lĩnh.
- Thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo
+ Doanh nghiệp được khấu trừ 200% chi phí nghiên cứu phát triển.
+ Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư mạo hiểm.
+ Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ.
- Kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, FDI
+ Hình thành chuỗi giá trị, cụm ngành công nghiệp, sản xuất nội địa.
+ Khuyến khích FDI sử dụng doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh, đối tác cung ứng.
- Phát triển các doanh nghiệp lớn, tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu
+ Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.
+ Thực hiện chương trình "Go Global" – hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế.
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh
+ Rà soát pháp luật để hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp thuận lợi hơn.
+ Cung cấp phần mềm, nền tảng số, kế toán, tư vấn pháp lý miễn phí.
- Phát triển văn hoá kinh doanh, nâng cao đạo đức doanh nhân
+ Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
+ Đưa giáo dục khởi nghiệp vào trường học.
+ Tôn vinh doanh nhân tiêu biểu, có trách nhiệm xã hội, yêu nước, khát vọng cống hiến.
Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương triển khai khẩn trương, nghiêm túc Nghị quyết, gắn với kế hoạch hành động cụ thể, có phân công rõ trách nhiệm, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.