Cán bộ, giáo viên Trường mầm non Sao Mai, huyện Lộc Ninh hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2021
Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, các cấp, ngành, đoàn thể huyện Lộc Ninh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới trong nhân dân. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Trong nhiều lĩnh vực công tác, bình đẳng giới đã đạt được những kết quả tích cực. Nhất là trong lĩnh vực chính trị. Hầu hết tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp trong huyện tăng theo từng năm.
Hiện nay, số lượng nữ tham gia cấp ủy huyện chiếm 21,9%; cấp ủy xã chiếm trên 30%. Số cán bộ nữ làm lãnh đạo giữ chức vụ chủ chốt cấp huyện chiếm 18%, cấp xã là 26%. Nữ đại biểu tham gia HĐND cấp huyện là 14/39 đại biểu, chiếm 35%; cấp xã, thị trấn 103/398 đại biểu, chiếm 25%. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp khác chiếm 33%; đơn vị sự nghiệp giáo dục chiếm 69%. Tổng số đảng viên nữ phát triển năm 2020 là 35/90 đồng chí, chiếm 39%...
Chăm lo đời sống phụ nữ
Các quyền bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ được thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Thông qua các chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn được đẩy mạnh. Qua đó, 2.796 phụ nữ được khám và điều trị phụ khoa, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ. Qua đó, góp phần giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được tăng cường...
Theo thống kê năm 2020, các cấp hội LHPN huyện Lộc Ninh đã huy động và vận dụng hiệu quả các loại hình tiết kiệm trong hội thành quỹ “Tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ nghèo”, với tổng 1.850 thành viên tham gia và huy động được trên 14 tỷ 957 triệu đồng. Nguồn vốn ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội với 93 tổ giúp cho 4.246 hộ vay với trên 116 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nguồn quỹ “Tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong năm qua các cơ sở hội vận động, hỗ trợ 38 phụ nữ khởi sự kinh doanh hơn 640 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chị còn hỗ trợ sinh kế cho 10 hộ phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên 76 triệu đồng; cây - con giống, xe máy... giúp đỡ 773 hộ phụ nữ trên 305 triệu đồng.
Nhờ đó, đời sống kinh tế của phụ nữ trong huyện được cải thiện, trình độ văn hóa và chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao. Phụ nữ ngày càng tự tin, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội. Các cấp hội tiếp tục duy trì hoạt động 136 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở 131 khu dân cư, với 215 thành viên tham gia hòa giải; hỗ trợ 22 phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực gia đình, đề nghị xử lý hành chính 6 đối tượng và nhắc nhở tại cộng đồng 10 đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.
Điểm nhấn trong thực hiện công tác bình đẳng giới ở Lộc Ninh là đã thành lập được nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: “Khu dân cư an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Lộc Thuận; các câu lạc bộ phụ nữ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã Lộc Hưng, Lộc Thạnh và Lộc Điền; “Gia đình phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật” ở ấp 4, xã Lộc Thái; “Phụ nữ tham gia phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” ở xã Lộc Thiện…
Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn