Giải quyết ngay những vấn đề nóng
Các bóng đèn tại khu vực Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài (TP. Đồng Xoài) bị hư hỏng đã khoảng 2 ngày. Sau khi bảo vệ tượng đài gửi phản ánh lên Tổng đài 1022, nhân viên trực tổng đài dựa trên những thông tin, hình ảnh người dân cung cấp chuyển ngay đến cơ quan chức năng, nhờ đó các đơn vị liên quan đã lập tức có mặt để xử lý. Chính quyền thành phố cũng ra quy định các sự cố hạ tầng kiểu này bắt buộc phải xử lý trong vài giờ hoặc chậm nhất là 2 ngày làm việc sau khi người dân gửi phản ánh.
Anh Phạm Văn Hưng, bảo vệ Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài vui vẻ cho biết: Sau khi tôi gửi phản ánh, nhân viên trực tổng đài đã phản hồi và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay. Các bóng đèn đã được thay để đảm bảo cho người dân vui chơi, tập thể dục.
Các tổng đài viên tiếp nhận điện thoại 24/24 để trả lời mọi phản ánh, kiến nghị người dân gửi đến
“Thông qua các nguồn tin phản ánh của người dân, Xí nghiệp Công trình công cộng TP. Đồng Xoài cũng quản lý sát lĩnh vực phụ trách, tránh tình trạng để sự cố kéo dài gây bức xúc và ảnh hưởng cuộc sống người dân” - anh Nguyễn Văn Phú, công nhân đội điện, Xí nghiệp Công trình công cộng TP. Đồng Xoài chia sẻ.
Ô nhiễm tiếng ồn, lấn chiếm lòng đường, vi phạm trật tự đô thị nếu ngại va chạm thì phản ánh qua Tổng đài 1022. Nhờ tổng đài, nhiều tồn tại trong khu dân cư được giải quyết kịp thời, tránh dẫn đến mâu thuẫn lớn. Tất cả phản ánh của người dân qua Tổng đài 1022 đều được công khai nội dung và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo sở, ngành và địa phương trong quản lý, giám sát và đánh giá sự hài lòng từ người dân.
Nhân viên trực tổng đài 1022 tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân ở hầu hết các lĩnh vực
Lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) cũng được người dân quan tâm, gửi phản ánh, kiến nghị và đều được giải quyết kịp thời. Điển hình như trường hợp ông Mai Văn Phước đang sinh sống ở thôn 9, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng mồ côi từ nhỏ, được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Hiện ông Phước không có giấy tờ tùy thân ngoài giấy khai sinh và các giấy tờ xác nhận của trung tâm bảo trợ. Ông đã nhiều lần liên hệ các cơ quan liên quan để làm căn cước công dân nhưng không được vì không có sổ hộ khẩu. Sau khi gửi nội dung lên trang web 1022, tổng đài đã chuyển nội dung này đến UBND xã Đức Liễu và hiện ông đã được cấp mã số định danh cũng như một số giấy tờ để chứng minh quyền công dân của mình.
Hằng ngày, Tổng đài 1022 tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên hầu hết lĩnh vực, qua nhiều kênh tương tác như: Zalo 1022, Facebook 1022, web 1022, email, app Bình Phước today. Chị Nguyễn Thị Uyên, tổng đài viên 1022 Bình Phước chia sẻ: “Việc tiếp nhận, phân loại, phản hồi thông tin đến người dân đều thực hiện theo quy định. Nhân viên trực tổng đài sẽ căn cứ vào nội dung phản ánh để trả lời, còn những vấn đề mang tính chuyên môn, đặc thù sẽ chuyển đến đầu mối tiếp nhận là các sở, ban, ngành, địa phương để xử lý”.
Hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành
Để vận hành hiệu quả tổng đài, có thể trả lời mọi thắc mắc, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chính xác, nhanh chóng, Tổng đài 1022 đang lưu trữ hàng ngàn TTHC trên mạng nội bộ và liên tục cập nhật những thay đổi, bổ sung. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các đầu mối xử lý thực hiện tốt quy chế phối hợp. Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết: Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh cùng tổng đài nắm bắt tình hình hoạt động; kiểm tra chất lượng các câu trả lời của tổng đài viên; cập nhật, bổ sung các quy định, TTHC mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tổng đài hoạt động hiệu quả hơn.
Công nhân đội điện, Xí nghiệp Công trình công cộng thành phố Ðồng Xoài xử lý kịp thời các sự cố về lưới điện
Trong quá trình vận hành Tổng đài 1022, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời hỗ trợ và cung cấp các thông tin cần thiết để tổng đài viên thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Phạm vi hoạt động của Tổng đài 1022 trên toàn tỉnh, thông qua 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Đã có hơn 50 cơ quan, đơn vị tham gia xử lý phản ánh, kiến nghị từ khi tổng đài đi vào hoạt động đến nay. Sự quyết liệt, linh động của lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo, giải quyết phản ánh, kiến nghị đã nâng tỷ lệ xử lý phản ánh, kiến nghị đạt hơn 90%, tạo sự tin tưởng, hài lòng cho người dân, tổ chức.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận và thực hiện 7.697 cuộc gọi, 3.260 lượt tương tác qua các kênh 1022 (email, Zalo, Facebook, website, app mobile) của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, điện thoại viên tổ chức tiếp nhận và lập 10.330 phiếu xử lý ý kiến, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Trong đó, có 2.828 phản ánh, kiến nghị, hỏi - đáp thông tin liên quan đến TTHC. Còn lại là các phản ánh, kiến nghị tiếp nhận qua điện thoại, tin nhắn. |
“Thông tin phản ánh qua tổng đài cũng trở thành công cụ hỗ trợ lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề chậm xử lý sẽ được Trung tâm IOC thống kê báo cáo lãnh đạo tỉnh. Điều này giúp tăng trách nhiệm của các đơn vị trong giải quyết kiến nghị của nhân dân” - ông Phong nhấn mạnh.
Ngày càng thu hút nhiều phản ánh, kiến nghị, hỏi - đáp thông tin của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là căn cứ khẳng định Tổng đài 1022 đang trở thành kênh thông tin kết nối người dân với chính quyền hiệu quả. Điều này phù hợp với chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân. Đây sẽ là tiền đề vững chắc, góp phần xây dựng thành công chính quyền số; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như xây dựng bộ máy hành chính tỉnh chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, phục vụ lợi ích nhân dân.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn