Chuyển đổi số (CĐS) đang là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Bưu điện tỉnh Bình Phước đang hỗ trợ đắc lực chính quyền trong cải cách hành chính, đưa người dân lên môi trường số, góp phần thúc đẩy quá trình CĐS ở địa phương. Song song đó, Bưu điện tỉnh cũng đẩy mạnh CĐS trong nội bộ ngành, chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, cải thiện chất lượng khai thác, đáp ứng tối đa yêu cầu sử dụng các dịch vụ của khách hàng.
Thiết thực dịch vụ bưu chính công ích
Dịch vụ bưu chính công ích được xem là điểm nhấn của Bưu điện tỉnh trong đồng hành với chính quyền thực hiện CĐS, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ cải cách hành chính. Bưu điện tỉnh đã ký kết, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa, tạo thuận lợi cho người dân.
30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin của Bưu điện tỉnh tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi - phát hàng; chăm sóc khách hàng
Anh Trần Thanh Hải, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài chia sẻ: Trước đây, người dân phải đến nhiều cơ quan để đóng phí và thuế đất, nay chỉ cần đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính công ích thì đến một nơi có thể gửi, nhận kết quả giải quyết TTHC và đóng phí luôn, rất nhanh và thuận tiện.
Đội ngũ nhân viên bưu điện đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản dịch vụ công, mở tài khoản ngân hàng để nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp. Chị Trần Thị Thanh Thảo, nhân viên Bưu điện thành phố Đồng Xoài cho biết: Số lượng hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích tăng dần cho thấy người dân đã chủ động sử dụng dịch vụ để thuận tiện trong giải quyết TTHC. Dịch vụ bưu chính công ích không chỉ thuận tiện cho người dân mà còn góp phần giảm áp lực cho cán bộ làm nhiệm vụ tại bộ phận một cửa, tránh tình trạng tiêu cực trong giải quyết TTHC, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công.
Các hệ thống, phần mềm tại Bưu điện tỉnh đều tập trung ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, từng bước dịch chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số
Toàn tỉnh hiện có 83 điểm giao dịch của Bưu điện tỉnh sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cấp đổi giấy phép lái xe của Bộ Giao thông vận tải và các thủ tục của Bộ Công an. Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích năm 2023 đạt 62.208 hồ sơ. Trong đó, cấp tỉnh 20.888 hồ sơ, chiếm 33,6%; cấp huyện 41.320 hồ sơ, chiếm 66,4%. Dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan đảng, nhà nước đạt 49.810 bưu gửi, tăng 23,3% so với năm 2022. Trong đó, cấp tỉnh đạt 36.750 bưu gửi, chiếm 73,8%; cấp huyện 13.060 bưu gửi, chiếm 26,2%. Có 15/16 sở và UBND tỉnh sử dụng dịch vụ. 10/11 huyện, thị xã, thành phố sử dụng dịch vụ, chiếm 91%.
“Nhằm đưa dịch vụ phát triển hơn nữa, trở thành “cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách hành chính, năm 2024, Bưu điện tỉnh tập trung thực hiện đa dạng hình thức, phương thức truyền thông về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để người dân, doanh nghiệp hiểu lợi ích thiết thực khi sử dụng dịch vụ”. Ông LÊ VĂN PHONG, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Bưu điện tỉnh |
Tham gia chuyển đổi số toàn diện
Trong phát triển kinh tế số, Bưu điện tỉnh đã vận hành sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó chú trọng đưa các sản phẩm đặc sản, OCOP lên sàn thương mại, góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. “Cửa hàng kết nối, phân phối sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền (S’tiêng Farm) tại Bưu điện tỉnh đã đưa lên kệ hàng thương mại điện tử với hơn 400 nhãn hàng và 150 sản phẩm của các nhà sản xuất. Các sản phẩm đưa lên sàn đều cam kết đảm bảo chất lượng, chủ thể tham gia sàn có sự chỉn chu về hình ảnh trước khi đăng tải, từ đó góp phần nâng cao sức hút trên thị trường” - ông Nguyễn Viết Vị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân tỷ phú, Cửa hàng trưởng S’tiêng Farm Bình Phước vui vẻ chia sẻ.
Cửa hàng kết nối, phân phối sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền (S’tiêng Farm) tại Bưu điện tỉnh đã đưa lên kệ hàng thương mại điện tử với hơn 400 nhãn hàng và 150 sản phẩm của các nhà sản xuất
“Bưu điện tỉnh đã lồng ghép tập huấn, giới thiệu về sàn thương mại điện tử Postmart.vn qua 17 lớp tập huấn, thực hiện tạo tài khoản trên sàn Postmart.vn, đăng sản phẩm, quy trình bán hàng và quản lý đơn hàng trên sàn với sự tham gia của gần 750 hộ sản xuất nông nghiệp. Đã có 365 hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm được chào bán qua sàn, doanh thu mang về 2,63 tỷ đồng” - ông Lê Văn Phong, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Bưu điện tỉnh nhấn mạnh.
CĐS của Bình Phước thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bà Huỳnh Như Quỳnh, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho rằng: Bưu điện đã đồng hành với tỉnh đẩy mạnh CĐS với nhiều giải pháp, trong đó điểm nhấn là phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan đào tạo kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, khai thác internet, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Phối hợp với các ngân hàng tham gia mở 16.667 tài khoản cho người dân. Tham gia triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh. Tổng địa chỉ số đã thu thập và bàn giao Sở Thông tin và Truyền thông 257.280 địa chỉ…
Những năm gần đây, Bưu điện tỉnh có sự thay đổi rất nhanh về hình thức kinh doanh, loại hình dịch vụ bưu chính là nhờ bắt kịp CĐS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động, từng bước dịch chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số… “Với gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi - phát hành; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán đang được bưu điện triển khai. Trong đó, hệ thống MPITS đã góp phần tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ, tiết kiệm thời gian. MPITS được kết nối và đồng bộ với các thiết bị thông minh, thiết bị cầm tay và tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong quy trình vận hành khép kín của vòng dịch vụ… Qua đó giúp rút ngắn quy trình triển khai, vận hành dịch vụ, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm 90% ấn phẩm nghiệp vụ, giảm 70% tác vụ trong thực hiện các hành vi giao tiếp khách hàng…” - bà Huỳnh Như Quỳnh nhấn mạnh.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn