Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồ Tiến Duật, Giám đốc Bảo tàng tỉnh phấn khởi cho biết: “Năm 2020 là năm đặc biệt đối với bảo tàng!”. Năm qua, bảo tàng đã đạt được những thành quả rất nổi bật trong hoạt động chuyên môn, đó là hoạt động sưu tầm hiện vật và trưng bày. Đây là công tác nghiệp vụ có vai trò quan trọng trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh Bình Phước.
Tăng cường sưu tầm hiện vật có giá trị
Năm 2020, Bảo tàng tỉnh thực hiện 4 đợt sưu tầm tại địa phương và 1 đợt vận động sưu tầm ở ngoài tỉnh. Qua sưu tầm, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận gần 2.500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về văn hóa, lịch sử của địa phương và quốc gia. Đặc biệt đã vận động các nhà sưu tập hiện vật ở Bình Thuận, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh hiến tặng 854 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Những hiện vật do các nhà sưu tập hiến tặng đa dạng về loại hình, lĩnh vực phản ánh văn hóa lịch sử của quốc gia; có những hiện vật niên đại lâu đời từ thời nhà Hán – cách ngày nay gần 2.000 năm, thời nhà Lý, Trần, Lê… phản ánh sự phát triển rực rỡ của gốm Việt. Những hiện vật không chỉ góp phần quan trọng vào hoạt động nghiên cứu, phổ biến lịch sử văn hóa quốc gia mà còn là nguồn tư liệu quý, là cơ sở để Bảo tàng tỉnh thực hiện các hoạt động phát huy giá trị trong thời gian tới.
Học sinh Trường tiểu học Tân Phú (TP. Đồng Xoài) tham quan trải nghiệm và học tập lịch sử địa phương tại Bảo tàng tỉnh (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)
Công tác trưng bày cũng ghi dấu ấn đặc biệt đối với Bảo tàng tỉnh, bởi sau hơn 20 năm thành lập, lần đầu tiên bảo tàng đã có không gian trưng bày giới thiệu các di sản văn hóa của địa phương. Với diện tích hơn 500m2 gồm 2 phòng trưng bày về lịch sử quá trình hình thành, phát triển và lịch sử văn hóa tỉnh Bình Phước. 2 không gian trưng bày đã khái quát được cơ bản lịch sử văn hóa của tỉnh Bình Phước từ thời kỳ tiền sử đến nay; khái quát quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân Bình Phước thế kỷ XX; giới thiệu về di sản văn hóa của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tiềm năng được khai thác
Không gian trưng bày là điều kiện để Bảo tàng tỉnh đưa các di sản văn hóa của địa phương và quốc gia ra giới thiệu với công chúng, góp phần phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nhờ đó nhân dân trong và ngoài tỉnh có điều kiện thưởng lãm, nghiên cứu, tìm hiểu các di sản văn hóa của địa phương và quốc gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Đối với ngành du lịch, bảo tàng sẽ dần trở thành điểm đến đối với du khách khi tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa ở Bình Phước. Thời gian qua, nhiều giáo viên, học sinh đến đây để trải nghiệm những tiết học sinh động giúp các em khắc sâu kiến thức và bồi đắp được lòng yêu nước, truyền thống cách mạng và tự hào dân tộc. Chưa kể đến nhiều hiện vật ở đây có giá trị về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa, có khả năng kích thích học sinh tìm hiểu để nâng cao nhận thức, tăng vốn hiểu biết.
Việc khai thác 2 không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã mang lại kết quả tích cực. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2020, Bảo tàng tỉnh tiếp đón khoảng 43.112 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Trong khi đó, năm 2021, 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Bảo tàng tỉnh tiếp đón 130 đoàn với 37.332 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và học tập. Ngoài tổ chức tìm hiểu hiện vật được bảo tàng sưu tầm, trưng bày, bảo tàng còn tổ chức những đợt triển lãm, trưng bày theo chuyên đề như: “Tết Xưa”, “Bình Phước dấu ấn đổi mới và phát triển”, “75 năm Quốc hội Việt Nam” rất ý nghĩa. Mặt khác, do bảo tàng nằm ở vị trí đẹp, trong khu Trung tâm Văn hóa tỉnh, gần Thư viện tỉnh, bên hồ Suối Cam nên là điểm vừa vui chơi vừa học tập rất lý thú của thành phố.
Không để di sản “ngủ quên”
Nhờ được quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng và dần hoàn thiện thiết chế riêng góp phần thực hiện nhiệm vụ đặc thù. Từ những tiền đề này, nhiều di sản trên địa bàn tỉnh dần được “đánh thức” và phát huy. Ngoài mở cửa đón khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề, phòng trưng bày di sản văn hóa Bình Phước, hiện Bảo tàng tỉnh còn xây dựng hoàn thiện phương án phát huy không gian trưng bày di sản văn hóa Bình Phước. Đơn vị có kế hoạch thực hiện chỉnh lý phòng trưng bày di tích Căn cứ Cục Hậu cần Miền, “Bình Phước di tích và danh thắng”; “Âm nhạc truyền thống người S’tiêng Bình Phước”; xây dựng bộ sưu tập vật dụng truyền thống của người S’tiêng Bình Phước; phục chế trống đồng Thọ Sơn, Bù Đăng…
Bên cạnh thực hiện đồng bộ công tác sưu tầm – trưng bày – khai thác di sản, Bảo tàng tỉnh còn thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát huy hiệu quả phòng trưng bày, chú trọng liên kết với các trường học để học sinh đến với bảo tàng tìm hiểu các di sản văn hóa của địa phương. Đơn vị còn xây dựng các mô hình tham quan dành cho các nhóm đối tượng khác nhau, nhất là các hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa. Bên cạnh bảo quản di sản, bảo tàng sẽ đưa các cổ vật được hiến tặng ra trưng bày để giới thiệu với công chúng, góp phần phát huy giá trị hiện vật. Những hoạt động thiết thực này sẽ góp phần đưa bảo tàng tương lai trở thành một trong những điểm đến du lịch của tỉnh và góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn