Gặp nhau khi cả hai đang… thất tình
Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28-6), chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Ngọc Mạnh (40 tuổi) và chị Bùi Thị Đào (34 tuổi) ở ấp 9, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú để được sẻ chia niềm vui, lắng nghe những tâm sự của anh chị trong việc xây dựng một gia đình “trong ấm ngoài êm”.
Ngày hè, hai đứa con nghỉ học nên cả nhà cùng quây quần bên nhau rộn tiếng cười, không khí ấm cúng, hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt từng thành viên trong gia đình. Kể về cuộc đời đã qua, anh Mạnh cho biết, năm 1999, anh rời quê hương Thanh Hóa đến Biên Hòa (Đồng Nai) học tại Trường cao đẳng nghề miền Nam, chi nhánh Đồng Nai với ước mơ có cuộc sống ổn định. Ngoài thời gian lên lớp, anh Mạnh đi chụp hình dạo để có thêm thu nhập.
“Chìa khóa” bảo vệ hạnh phúc của gia đình anh Lê Ngọc Mạnh, chị Bùi Thị Đào ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú là yêu thương và chia sẻ
Còn chị Bùi Thị Đào do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2006, chị rời quê hương Thanh Hóa đến Biên Hòa để làm công nhân với ước mơ giản dị: thoát nghèo. Cả hai gặp nhau tình cờ ở Đồng Nai và lúc này, cả 2 đang “thất tình”. Anh Mạnh vừa chia tay tình yêu đầu đời với cô bạn cùng trường, còn chị Đào cũng vừa chia tay với người yêu là bộ đội. “Sau gần 1 năm đến với nhau, tìm hiểu thấy “tâm đầu, ý hợp” nên năm 2009, chúng tôi quyết định lên xe hoa nên duyên vợ chồng” - người đàn ông dân tộc Thổ Lê Ngọc Mạnh nói.
Chung tay xây tổ ấm
Sau khi cưới, vợ chồng anh chị thuê căn phòng trọ bắt đầu cho cuộc sống mới. Anh Mạnh đi làm thuê ở một nhà thuốc tư nhân và thời gian rảnh tiếp tục đi chụp hình dạo. Chị Đào lại vào nhà máy làm công nhân. Cuộc sống cứ bình lặng trôi nhưng thu nhập không dư giả nên anh chị không dám tính đến việc sinh con. Nhận thấy không thể sống như vậy nên vợ chồng anh đã bàn bạc hướng đi mới, chuyển đến nơi khác sinh sống. “Vợ chồng tôi suy tính cả tháng trời, chẳng lẽ ngày qua ngày cứ đi làm thuê hoài, chớp mắt đã đến tiền trọ, biết bao giờ mới khá nổi. Có tấm bằng đủ điều kiện để mở nhà thuốc tư nhân nên chúng tôi rời Đồng Nai xách ba lô lên đường đến Bình Phước lập nghiệp” - anh Mạnh nói.
Yêu thương, chia sẻ là bí quyết của vợ chồng anh Mạnh, chị Đào trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Với số vốn tích cóp được hơn 100 triệu đồng, năm 2011, anh chị thuê căn nhà đơn sơ ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú sửa sang lại chút ít rồi mở nhà thuốc tư nhân mang tên Lê Ngọc Mạnh. Nhà thuốc nằm trên đường ĐT741 nên thu hút nhiều người bệnh tìm đến. Anh Mạnh chia sẻ: “Nhà thuốc thường mở cửa từ 5 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Tôi luôn dành thời gian tư vấn, dặn dò cặn kẽ người bệnh về cách sử dụng thuốc sao cho hiệu quả. Từ đó đã đón nhận được thiện cảm nhiều ở người bệnh".
Cuối năm 2011, niềm vui nhân lên khi anh chị đón con trai đầu lòng chào đời. Từ lợi nhuận kinh doanh nhà thuốc và vay mượn thêm, năm 2013, anh chị mua được căn nhà cấp 4 vừa ở vừa kinh doanh nhà thuốc… Khi cuộc sống dần ổn định, anh chị đã đón cha mẹ vào chung sống, phụng dưỡng. Chị Phí Thị Huệ, công chức văn hóa xã hội xã Tân Lập cho biết: Người dân ở đây rất quen thuộc với hình ảnh anh Mạnh thường dẫn người bố bị tai biến đi bộ dạo quanh xóm. Vợ chồng anh chị rất hiếu thảo, chăm sóc bố tận tình cho đến khi cụ qua đời (cuối năm 2018).
Nuôi dạy con giỏi, biết sống vì cộng đồng
Hiện không chỉ kinh tế khá mà vợ chồng anh Mạnh còn nổi tiếng về nuôi dạy con giỏi. Anh chị có 2 con trai, con lớn năm tới lên lớp 5, còn con nhỏ lên lớp 3. Cả hai con luôn đạt thành tích học tập giỏi những năm qua. Anh Mạnh cho biết: “Cuộc sống gia đình chỉ loay hoay trong căn nhà nhỏ nhưng các thành viên luôn chia sẻ công việc với nhau trên tinh thần bình đẳng, hòa thuận. Vợ chồng tôi luôn tôn trọng, thương yêu nhau, tạo sự đồng cảm trong cuộc sống. Dù bận rộn nhưng chúng tôi luôn dành thời gian quan tâm việc học tập của các con, gần gũi, giáo dục cho các con biết lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô”.
Xuất thân từ khó khăn, vợ chồng anh Mạnh và chị Đào lúc nào cũng động viên nhau phải không ngừng nỗ lực và biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, vợ chồng anh cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở xã Tân Lập. Mới đây, anh chị đã mua nước uống bổ dưỡng, khẩu trang y tế tặng người dân trong vùng, những tuyến phòng, chống dịch bệnh. Hai con cũng tự nguyện đập heo đất được hơn 1 triệu đồng để đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn