Từ yêu cầu chấn hưng văn học - nghệ thuật
Ở bất cứ thời điểm lịch sử nào, văn nghệ sĩ cũng luôn quan tâm đến thời cuộc. Thông qua nghệ thuật, họ cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếng nói của văn nghệ sĩ đã hòa nhịp với tiếng nói, nguyện vọng chung của dân tộc. Những tác phẩm nghệ thuật thời chiến đã nâng bước toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thế nhưng, trong quá trình hội nhập và phát triển, những tác động trái chiều của hội nhập đã phát sinh tiêu cực. Theo đó, đã có nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ. Thậm chí không ít tác phẩm truyền bá những tư tưởng đối lập với quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, đòi xét lại lịch sử, thổi phồng, khoét sâu những sai lầm, khuyết điểm của quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Rồi quan điểm đòi giải thiêng lịch sử, hạ bệ thần tượng và cổ xúy cho trào lưu sáng tác, quảng bá dòng văn học ngôn tình, ảo mộng, cổ vũ lối sống hưởng thụ, kích động sự bất mãn của một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức. Có thể kể tên vài nhóm hoạt động với các trào lưu sáng tác mà họ tự cho là “cấp tiến” như nhóm thơ Mở miệng. Nhóm này đòi “tự do ngôn luận” - dẫu không ai cấm họ phát ngôn một cách văn hóa, văn minh. Và thơ của họ thì toàn những thứ dung tục, sống sượng, sử dụng cả tiếng lóng tục tĩu vào thơ. Hay nhóm Văn đoàn Độc lập - một tổ chức ngoài Hội Nhà văn Việt Nam, quy tụ những văn nghệ sĩ có tư tưởng công thần hoặc bất mãn với thời cuộc. Nhóm này thường tổ chức các hội nghị bàn tròn hoặc trả lời phỏng vấn các trang mạng nước ngoài với nội dung hạ bệ thần tượng, giải thiêng lịch sử và xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Tóm lại, dù là “Mở miệng” hay “Văn đoàn Độc lập” thì cũng chỉ là hình thức mượn nghệ thuật để làm chính trị mà thôi.
Lãnh đạo Tỉnh ủy và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Quý Mão 2023
Trong khi đó, dòng VHNT chính thống lại ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Một thời gian dài kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, gần như chưa có tác phẩm nghệ thuật nào phản ánh đúng tầm vóc lịch sử của công cuộc đổi mới. Rồi hiện tượng trao đổi, bán mua giải thưởng, danh hiệu về VHNT ở nơi này, nơi kia đã làm vẩn đục bầu không khí sáng tạo. Và đó chính là lý do để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23 ngày 16-6-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.
Mục tiêu phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới
Ba mục tiêu mà Đảng ta hướng tới trong Nghị quyết số 23 là: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới; Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng… có năng lực sáng tạo, đoàn kết, gắn bó; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của VHNT trong thời kỳ mới”. Đó cũng chính là mong ước của hầu hết văn nghệ sĩ, trong đó có văn nghệ sĩ Bình Phước.
Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, có thể thấy thành tựu đầu tiên, quan trọng nhất là nhận thức, quan điểm của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về VHNT đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn nhiều so với trước. Sự thay đổi về nhận thức đã dẫn tới thay đổi về hành động. Thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề về VHNT hay trong các văn bản khác của Đảng, quan điểm cứng nhắc cho rằng VHNT chỉ là phương tiện của công tác tuyên truyền, dẫn tới “chính trị hóa” VHNT hay quan điểm ngược lại, là đề cao quá mức chức năng thẩm mỹ, giải trí mà không quan tâm đến chức năng định hướng tư tưởng, đạo đức đã được gọi đúng tên và có biện pháp khắc phục.
15 năm qua, rất nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến VHNT được triển khai, tạo động lực mạnh và tích cực cho VHNT phát triển. Đó là Đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Quyết định số 1909 ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định: “Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt”. Tại hội thảo văn hóa năm 2022, vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực cho văn hóa - nghệ thuật cũng được đề cập rõ nét. Còn ở cấp địa phương, mỗi tỉnh, thành lại có chương trình, nghị quyết riêng để bảo tồn, phát triển VHNT. Nghĩa là Đảng, Nhà nước đã có sự đầu tư mạnh mẽ hơn cả về nguồn lực tài chính cũng như thể chế hóa hoạt động VHNT bằng những văn bản dưới luật.
15 năm qua, từ xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật cả chuyên nghiệp và không chuyên, trong hoạt động lý luận, phê bình và đổi mới hoạt động hội... đều cho thấy một diện mạo mới, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn của VHNT. Từ vài chục hội viên, đến nay, Hội VHNT tỉnh Bình Phước đã phát triển lên 281 hội viên thuộc 8 chuyên ngành, trong đó có 25 hội viên Trung ương và 90 hội viên đã được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam. Điều đó thể hiện sự lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng cũng như sự phong phú, đa dạng của các loại hình nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. |
Thời gian qua, dù điều kiện hoạt động còn khó khăn nhưng Hội VHNT tỉnh vẫn mời các văn nghệ sĩ tên tuổi như Giáo sư Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh… về trao đổi kinh nghiệm, tạo niềm hứng khởi sáng tác cho văn nghệ sĩ trong tỉnh. Hằng năm, hội đều tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác trong tỉnh và tham gia các trại sáng tác của Trung ương. Những cuộc thi sáng tác theo từng chủ đề như Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sáng tác về lực lượng vũ trang, về thành tựu của các địa phương trong tỉnh… đã được Hội VHNT tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương thực hiện ngày càng nhiều hơn. Mỗi lần như thế, lại có thêm nhiều tác phẩm chất lượng ra đời. Theo đó, nhiều hội viên đã đoạt giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, của tỉnh và các ngành tổ chức hằng năm.
Kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 23 về tiếp tục phát triển VHNT trong thời kỳ mới, môi trường hoạt động VHNT đã cởi mở, thông thoáng hơn nhiều so với trước. Dòng chảy thông, môi trường thoáng là điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ toàn tâm sáng tạo và cống hiến.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn