Điều thú vị là ở Đông Triều hội tụ cả những làng gốm sứ truyền thống trên 200 năm tuổi và cả các xưởng gốm mỏng xuất khẩu Âu, Mỹ có nguồn gốc từ gốm Bát Tràng. Gốm sứ Đông Triều từ lâu thành chứng nhân lịch sử, gắn bó với những nét văn hóa đặc trưng địa phương. Yêu thích truyền thống, bạn sẽ ấn tượng với hình ảnh những người thợ gốm lành nghề, những nghệ nhân “say” gốm vẫn miệt mài với những sản phẩm cổ truyền.
Dòng gốm truyền thống Đông Triều là dòng gốm "nặng lửa", hầu hết là sản phẩm kích thước lớn, được nung ở hệ lò bầu và nhiệt độ tới 1.300 độ C, có độ cứng, bền lâu, nước men trong và mịn, tránh được sự rò rỉ cao. Đặc biệt hơn nữa là vào khoảng năm 60 của thế kỷ XX, một người thợ gốm giỏi ở Đông Triều đã tìm được bí quyết làm ra loại men chảy của người Trung Quốc để đưa vào sản xuất, tạo thêm sự độc đáo cho sản phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có dòng gốm mỏng, mỹ nghệ là gốm Quang Vinh, vốn kết hợp tinh hoa gốm Bát Tràng và gốm truyền thống trên cơ sở máy móc hiện đại và sự sáng tạo, khéo léo của các thợ gốm địa phương. Tất cả đã tạo ra dòng gốm mỏng, nhẹ, đảm bảo được độ cứng cao, xuất khẩu đi nhiều nước ở châu Á, châu Âu…
Theo thống kê, hiện trên địa bàn có nhiều làng gốm truyền thống còn hoạt động gồm: Ánh Hồng (phường Mạo Khê), xa hơn chút là khu Cầu Đất (phường Đức Chính) và các xưởng gốm vẫn "đỏ lửa" của gốm Quang Vinh. Ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long), cho biết: Ngoài các tour làng quê, điểm nhấn khi đưa khách về Đông Triều chính là được thăm các làng nghề gốm cổ, được các nghệ nhân say nghề "cầm tay" hướng dẫn làm gốm. Tới đây đem lại một điểm nhấn giàu cảm xúc, đặc biệt với du khách quốc tế.
Chính vì thế, trước dịch Covid-19, các làng gốm rất hút khách. Năm 2019, các điểm tham quan như gốm Quang Vinh còn đón hơn 15.000 lượt khách, Thái Sơn đón 6.000 lượt/năm... Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan mà du lịch tham quan trải nghiệm làng nghề gốm sứ có xu hướng suy giảm. “Đây rõ ràng là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho các sản phẩm, hành trình du lịch. Hiện thị xã cũng đã quan tâm quy hoạch, thúc đẩy để gìn giữ giá trị riêng có của vùng đất Đệ tứ Chiến khu" - chị Đỗ Thị Hà, Trưởng Phòng VH-TT TX Đông Triều, chia sẻ.
Theo đó, thị xã cũng bố trí các không gian, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở phường Mạo Khê, Kim Sơn. Đồng thời, thị xã cũng đưa các làng nghề, điểm trưng bày giới thiệu gốm sứ vào tour tuyến khám phá làng quê Đông Triều. Các hãng lữ hành có thể linh hoạt lựa chọn 1-2 điểm trong tuyến kết hợp với các tuyến, điểm khác.
Hiện nhiều điểm sản xuất, trưng bày gốm sứ cũng chuyển hướng hoặc tạo điều kiện bố trí các buổi tham quan, trải nghiệm mang tính giáo dục, cho học sinh các trường đi thực tế. Về lâu dài, thị xã cũng đang thực hiện nhiều cách làm mới nhằm hút khách và xây dựng lại thương hiệu cho những làng nghề gốm truyền thống.
Để tăng cường công tác quảng bá, phát triển du lịch, Đông Triều tiếp tục triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề để phát triển du lịch, tiếp tục xây dựng Đề án phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2040, trong đó quan tâm phát triển du lịch làng nghề gốm, sứ.
Trên thực tế, điều đáng ghi nhận là hầu hết các xưởng, làng nghề đều rất thiện chí, nhiệt tình đón du khách tham quan trải nghiệm. Việc linh hoạt các hành trình, thay đổi đối tượng khách đã cho thấy kết quả đáng kể. "Dù là xưởng rất bận nhưng hè 2023 vừa qua, chúng tôi cũng đón hơn 10 đoàn khách tham quan là du khách, học sinh trải nghiệm làm gốm mỏng. Thậm chí phải hạn chế đoàn tối đa chỉ được 50-70 khách để đảm bảo chuyến đi chất lượng" - ông Quách Văn Thoại, quản lý xưởng gốm Quang Vinh (Mạo Khê) chia sẻ.
Đặc biệt, hiện Đông Triều đang quy hoạch quy củ, mạnh mẽ các khu công nghiệp, nơi dành riêng cho làng nghề gốm sứ truyền thống. Trong đó có ưu tiên các không gian trưng bày, giới thiệu nghề gốm với ý tưởng như tại mô hình làng nghề gốm Bát Tràng. Rất có thể đây cũng sẽ là "bảo tàng sống", chất xúc tác lý tưởng tạo sự khởi sắc cho du lịch trong tương lai.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn