Thế nhưng chiến tranh, mất mát, đau thương!. Để có được vẹn nguyên hình hài dải đất hình chữ S như ngày nay, biết bao mồ hôi, xương máu của các anh hùng liệt sĩ và người dân vô tội đã ngã xuống. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người ở thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước là một minh chứng. Với quyết tâm giữ cho được Bình Long, bởi Bình Long mất, Sài Gòn cũng không còn, Mỹ tăng cường đánh bom, kể cả dùng máy bay B52 và đã gây ra cái chết cho hàng người ở khu vực này.
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người ở trung tâm thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước
Ông Nguyễn Văn Dậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí thị xã Bình Long, một người con của vùng đất này, đã cống hiến cả thanh xuân cho hòa bình, tự do của dân tộc. Ông đã cùng đồng đội “nếm mật, nằm gai”, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược ngay trên chính vùng đất nơi mình sinh ra. Hơn hết, ông là người trực tiếp tham gia trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, chứng kiến đế quốc Mỹ đánh bom càn quét trên lãnh thổ Việt Nam, tội ác mà chúng gây ra đối với hàng ngàn người dân vùng An Lộc, Bình Long lúc bất giờ.
Ông Dậu cho biết: “Tỉnh Bình Long xưa ở ngay cửa ngõ vào Sài Gòn nên mạng lưới bố trí phòng thủ của Mỹ hết sức kiên cố. Mỹ bằng mọi cách phải giữ cho được Bình Long. Thế nhưng với chiến lược “3 mũi giáp công” của quân và dân ta, đế quốc Mỹ và tay sai hoang mang bỏ chạy. Khoảng 1 tuần sau, chúng bắt đầu hồi sức trở lại, tiến hành phòng thủ và chống trả quyết liệt. Trực thăng của Mỹ cứ thấy bóng người là bắn. Chúng đánh bom vào nhà thờ, bệnh viện, nơi mà phần lớn người dân đang tập trung tránh đạn pháo, điều trị bệnh... Sau khi chiến sự kết thúc, để giải quyết số người chết trong 32 ngày đêm (từ 13-4 đến 15-5-1972) trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Việt Nam Cộng hòa dùng máy cày ủi 3 hố sâu chôn các xác chết sau khi gom lại, hình thành mộ tập thể 3.000 người”.
“Nói về Bình Long ai nghe cũng ngán. Lính thì như kiến, xe tăng thì như cua, máy bay như ruồi. Cứ hình dung như vậy là biết. Máy bay, chúng rải bom B52 hai bên quốc lộ 13. Chết tàn ác. Chết không kể xiết!”. |
Ông NGUYỄN VĂN DẬU Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công an hưu trí thị xã Bình Long |
Ở vị trí đắc địa, ngay phường trung tâm của thị xã Bình Long, vùng căn cứ cách mạng, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người được đầu tư xây dựng kiên cố với nhiều hạng mục công trình phụ trợ trong không gian thoáng đãng. Công trình nhắc nhớ những ai qua đây và những ai từng ghé nơi này về một thời kỳ đấu tranh cách mạng đau thương của dân tộc. Về những mất mát, hy sinh của quân và dân ta để có được hòa bình, tự do và chủ quyền lãnh thổ như ngày nay. Một “chứng nhân” lịch sử, một “bằng chứng thép” về tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tượng đài và khu mộ tập thể 3.000 người ở phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước
Toàn khuôn viên di tích hơn 4.000m2, gồm khu mộ tập thể, nơi chôn cất hàng ngàn người dân vô tội ở khu vực thị trấn An Lộc xưa và trong đó có cả binh lính Việt Nam Cộng hòa. Đó là hệ quả tày trời mà binh lính Mỹ gây ra trên lãnh thổ Việt Nam. Hơn 3.000 người dân An Lộc vô tội đã ngã xuống, hệ lụy của 32 ngày đêm Mỹ điên cuồng đánh phá Việt Nam trong chiến dịch Nguyễn Huệ hòng giữ Bình Long để giữ cho được Sài Gòn. Thế nhưng, “lấy trí nhân để thay cường bạo”, dù Mỹ đã sử dụng các phương tiện tối tân, hiện đại với B52 đánh phá, nhưng mọi cuộc chiến phi nghĩa đều thất bại. Tuyến quốc lộ 13 được giải phóng, thông tuyến, quân chủ lực Việt Nam tiến về Sài Gòn làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tọa lạc giữa phồn hoa đô thị, khu di tích với tượng đài hùng vĩ uy nghi, sừng sững như tinh thần quật khởi, ý chí đấu tranh cách mạng không gì lay chuyển của quân - dân An Lộc, Bình Long và cả nước nói chung. Ôm vào lòng hơn 3.000 người vô tội, vì chiến tranh mãi mãi không trở về, khu di tích trở thành vùng đất linh, biểu tượng sáng ngời hun đúc trong tiềm thức người dân Việt lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước.
Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người ở thị xã Bình Long nhìn từ trên cao
Chiến tranh đã đi qua, nhưng chứng nhân vẫn còn đó, hàng ngàn gia đình mất con, vợ mất chồng, em mất anh. Để tưởng nhớ, hằng năm, nơi đây hàng ngàn lượt người đã tìm đến trong trầm mặc, trang nghiêm và xúc động. Họ về đây để được kính cẩn nghiêng mình, tri ân những người đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Những người cha, người mẹ, người vợ… với mong muốn tìm lại bóng dáng người thân. Những người cựu chiến binh tìm về thăm lại chiến trường xưa, để cùng tâm sự với đồng đội đã ngã xuống. Những chàng trai, cô gái về đây để ngưỡng vọng những con người quả cảm và hiểu thêm giá trị của độc lập, tự do… Nhưng lớn lao hơn tất cả đó là đạo lý ngàn đời của dân tộc - “Uống nước, nhớ nguồn”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi năm cứ đến những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Việt Nam lại không thể quên được hy sinh, mất mát của cha ông ta để có được đại thắng mùa xuân ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Về với Di tích mộ tập thể 3.000 người đủ để ta thấy thêm yêu và trân quý hơn giá trị của hòa bình và tự do!.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn