Khởi sắc rõ rệt
Theo thông tin từ ngành Du lịch tỉnh Kiên Giang, từ 29-1 (27 tháng Chạp) đến 4-2 (mùng 4 Tết Nhâm Dần) đã có 75.000-80.000 du khách đến Kiên Giang, trong đó điểm đến thu hút du khách nhiều nhất chính là thành phố biển đảo Phú Quốc với ưu thế nổi trội biển xanh, nắng vàng, khí hậu mát mẻ, cảnh quan tuyệt đẹp, nhiều điểm nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế.
Tại Đồng Tháp, thành phố Sa Đéc- nơi có làng hoa Sa Đéc nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, từ ngày 29-1 đến ngày 5-2, trên 16.000 du khách đã đến tham quan, du lịch. Nhiều khu du lịch tại làng hoa Sa Đéc đón từ 1.500 -2000 du khách mỗi ngày. Theo cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 4-2, du lịch Đồng Tháp đã đón và phục vụ khoảng trên 75.550 lượt du khách, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Còn ở Cà Mau, dù vẫn còn một số điểm du lịch chưa đón khách trở lại song đã ghi nhận lượng du khách dần tăng lên, từ ngày 31-1 đế 4-2, gần 72.500 lượt khách du lịch đến Cà Mau, tăng trên 3,4% so cùng kỳ năm 2021.
Ở khu vực Đông Nam bộ, Bà Rịa- Vũng Tàu là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu du lịch huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu): từ ngày 31-1 đến ngày 4-2, địa phương này đã đón và phục vụ hơn 32 nghìn lượt khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2021.
Về phía các doanh nghiệp lữ hành, theo thông tin từ Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) dịp Tết Nguyên đán năm nay doanh nghiệp này đón, phục vụ nhiều đoàn du khách khởi hành du Xuân, khám phá các điểm đến dịp Tết đến Xuân về, tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch có những khởi sắc trong mùa du lịch mới, mang theo hy vọng về một năm mới phát triển hơn. Chỉ từ ngày 2 đến 4-2, doanh nghiệp này đã tổ chức 4 chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) đưa gần 1.000 du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phú Quốc (Kiên Giang). Cả mùa Xuân năm nay dự kiến Vietravel phục vụ khoảng 15.000 du khách du xuân khắp mọi miền đất nước.
Tạo sức bật mới
Những kết quả đạt được trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang mở ra những kỳ vọng, tạo đà thuận lợi để du lịch các địa phương khu vực Nam bộ tiếp tục đổi mới sản phẩm, nâng chất các dịch vụ, tiếp tục phục hồi và có sức bật mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam, thị trường du lịch trong giai đoạn “bình thường mới” đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải rất nỗ lực trong đổi mới sản phẩm, xây dựng các đường tour phù hợp. Nếu thực hiện tích cực, hiệu quả, đến hết quý I năm nay, đặc biệt là trong dịp hè 2022 sẽ thực sự là giai đoạn tăng tốc của các hoạt động du lịch ở Việt Nam.
Đề cập về định hướng phục hồi, nhanh chóng tạo sức bật cho hoạt động du lịch tại các địa phương, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ đều khẳng định: sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng việc đổi mới, phát triển sản phẩm và liên kết hợp tác phát triển du lịch.Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết: Long An tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khảo sát đầu tư, phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường, phù hợp tình hình mới, phát huy sản phẩm đặc thù, có tính cạnh tranh và tạo thương hiệu du lịch Long An như: du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, tăng cường kết nối với các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm, sản phẩm du lịch an toàn liên vùng, thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang: năm 2022, du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu thu hút khoảng 5,6 triệu du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Kiên Giang đang tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh thông qua nhiều hình thức, tiếp tục mở rộng các thị trường du khách phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, một số đề án đang được tỉnh triển khai xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Đề án phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại Khu bảo tồn biển và Vườn quốc gia Phú Quốc; Đề án triển khai các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch; Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong khi đó theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đầu năm 2022, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đón nhiều tin vui như lượng du khách đến tham quan, nghỉ dịp Tết Dương lịch 2022 và tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng cao. Thành phố Vũng Tàu năm thứ 2 liên tiếp được nhận giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. Khách sạn Pullman Vũng Tàu được nhận giải thưởng “Địa điểm tổ chức MICE ASEAN" cho hạng mục Phòng họp, hội nghị, hội thảo và khách sạn nghỉ dưỡng. Khách sạn Minera Hot Spring Bình Châu nhận giải "Khách sạn xanh ASEAN". Đây là các giải thưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của địa phương, sản phẩm du lịch và dịch vụ chất lượng cao trong khu vực. Thời gian tới du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, khẳng định thương hiệu du lịch của địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước, góp phần tiếp tục khẳng định vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Nguồn tin: Thanh Trà (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn