Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc miền múi phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường… Trong quá trình định canh định cư trên địa bàn huyện Đồng Phú, món ăn này được đồng bào các dân tộc mang theo, góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực đặc sắc nơi đây.
Chị Nông Thị Hạnh (dân tộc Tày) ngụ ấp 2, xã Đồng Tâm cho biết: “Gọi là xôi ngũ sắc vì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng; cũng có lúc là 5 màu cam, lục, chàm, tím, trắng. Cách làm xôi mặc dù không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người phụ nữ. Quá trình đồ xôi ngũ sắc phải có sự cảm nhận chuẩn để tạo ra một nồi xôi vừa chín tới vừa đượm màu. Mỗi màu xôi có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi”.
Chị Lục Thị Đàm, ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến chia sẻ, cách làm món xôi này có từ bao giờ không biết, để dùng trong ngày lễ, Tết, cúng ông bà tổ tiên hay đãi khách quý đến nhà chơi. “Để làm ra được món xôi ngũ sắc thơm, dẻo, ngon, phụ nữ Tày cẩn thận từ khâu chọn nếp, nguyên liệu tạo màu đến việc đồ xôi. Gạo nếp được chọn là loại hạt to, trong. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cầu kỳ. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ hoặc cam, tím đen, vàng, màu chàm được tạo từ các loại hoa, lá, củ trong tự nhiên. Thường dùng nhất vẫn là lá. Lá được chọn kỹ lưỡng, không quá non hay quá già, đun lấy nước màu. Khi nấu không được để lẫn các loại màu với nhau vì vậy mỗi màu xôi nấu ở một chõ khác nhau hoặc chõ phải ngăn ra”.
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong dịp Lễ, tết của người Tày, Nùng. (trong ảnh: chị Lục Thị Đàm, xã Đồng Tiến giới thiệu về các món ăn truyền thống của dân tộc, trong đó có món xôi ngũ sắc)
Cùng một nguyên liệu nhưng với cách chế biến và bí quyết khác nhau, mỗi dân tộc tạo nên món xôi ngũ sắc mang hương vị riêng, độc đáo không lẫn lộn được. Cúng tổ tiên hay ngày lễ, tết, khách quý đến nhà là dịp người Tày, Nùng trên địa bàn thường chế biến món xôi ngũ sắc. Để tạo màu đỏ, người Tày, Nùng dùng lá cây có tên lá nếp đỏ. Ngoài ra, cũng dùng quả gấc chín làm màu xôi đỏ. Màu tím thì dùng lá nếp tím (lá nếp cẩm). Xôi màu vàng được tạo từ củ nghệ già giã nhỏ pha với nước ngâm gạo. Người Tày, Nùng thường giã lá gừng hoặc lá dứa, vắt lấy nước cốt để tạo màu xanh cho xôi. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 5 đến 8 tiếng rồi vớt ra để ráo nước.
Anh Hoàng Đình Nhuận, ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến cho hay: “Vào những ngày lễ Tết, trong các lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng, như lễ hội Thanh minh, Tết Đoan ngọ, món xôi ngũ sắc thường được làm và ăn cùng với món thịt lợn quay lá mắc mật, thịt lợn khấu nhục. Các chị em thì cùng nhau nấu món xôi sắc màu, cánh đàn ông chúng tôi thì đảm nhiệm làm lợn quay, khấu nhục”.
Món xôi ngũ sắc có nhiều cách bày trí khác nhau, có thể bày xôi theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh tượng trưng cho một màu, có thể dùng khuôn gỗ đóng xôi thành nhiều tầng, mỗi tầng là một màu xôi, hoặc xếp tròn 5 màu xôi riêng biệt hay trộn lẫn các màu xôi với nhau. Thế nhưng dù bày trí theo cách nào thì xôi ngũ sắc cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho điều may mắn, tốt lành.
Những ai từng có cơ hội được thưởng thức xôi ngũ sắc Tây Bắc do chính tay người Tày, Nùng làm sẽ không thể quên được mùi thơm đặc biệt của các loại lá cây tạo màu cho xôi, hạt nếp dẻo ngậy, hương vị khác lạ so với xôi ở nhà làm, tạo cảm giác thích mắt, ngon miệng. Tuy là món ăn bình dân nhưng xôi ngũ sắc là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, kết tinh trong đó nhiều giá trị tư tưởng, những giá trị về văn hóa đời sống, phong vị, tập tục của mỗi dân tộc./.