Luật Giáo dục năm 2019 cùng các văn bản hướng dẫn như Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong môi trường học đường, bao gồm: xúc phạm nhân phẩm, danh dự; xâm phạm thân thể; kỳ thị, phân biệt đối xử; và ép buộc học sinh thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Theo khoản 5 Điều 2 của Nghị định này, bạo lực học đường được định nghĩa là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống bạo lực học đường, nhưng vẫn ghi nhận một số vụ việc xảy ra tại một số trường và quay video phát tán trên mạng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng đó, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, đồng thời phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công an tỉnh để tổ chức các buổi truyền thông pháp luật, kỹ năng phòng vệ, và giáo dục đạo đức học sinh.
Thanh niên có thể là nạn nhân, nhân chứng, hoặc người thực hiện hành vi bạo lực. Vì vậy, việc hiểu biết pháp luật, phát hiện và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bạo lực là rất quan trọng. Ngoài ra, thanh niên cần phát huy vai trò trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường, tạo môi trường thân thiện, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau.
Mỗi bạn trẻ cần chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết xung đột, tham gia các câu lạc bộ, diễn đàn học sinh để tăng cường kết nối và giảm thiểu nguy cơ bị cô lập – nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực học đường.
Xây dựng trường học an toàn, không bạo lực là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó thanh niên đóng vai trò hạt nhân tích cực.