Thanh niên – lực lượng tiên phong trong việc sử dụng công nghệ, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến – cũng chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các chiêu trò tinh vi của tội phạm mạng. Những mối nguy như lộ lọt thông tin cá nhân, bị dụ dỗ tham gia các hội nhóm phản động, bị lừa đảo qua các đường link giả mạo, hoặc tiếp cận thông tin sai sự thật đang ngày một gia tăng. Những nguy cơ này không chỉ đe dọa đến an toàn cá nhân mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, đạo đức, thậm chí tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia và sự ổn định xã hội.
Để chủ động đối mặt với những thách thức đó, thanh niên cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn khi sử dụng internet. Cụ thể, việc biết cách nhận diện thông tin sai lệch, phân biệt nguồn tin chính thống và không chính thống là điều rất quan trọng. Khi tiếp cận một nội dung trên mạng, thanh niên cần biết đặt câu hỏi: Ai là người đưa tin? Thông tin có được kiểm chứng không? Mục đích của việc lan truyền thông tin đó là gì?
Bên cạnh đó, việc cảnh giác với các hình thức tấn công mạng như phishing (giả mạo trang web để đánh cắp thông tin), phần mềm gián điệp, virus hay tin nhắn lừa đảo cũng là những kỹ năng thiết yếu mà mỗi bạn trẻ nên rèn luyện. Không chia sẻ mật khẩu, không cung cấp thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc, không tải ứng dụng từ nguồn không tin cậy – đó là những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ mình và người thân trong thế giới số.
Trong thời gian qua, các chương trình tuyên truyền về an toàn, an ninh mạng do các cơ quan, đơn vị tổ chức đã mang lại hiệu quả tích cực. Các buổi hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo ra diễn đàn để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong việc phòng chống các mối đe dọa trên không gian mạng. Đáng chú ý, Tổ công nghệ số cộng đồng (111 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, ấp gồm 5.426 thành viên) phần lớn là thanh niên, đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản và tạo ra nhiều giá trị thiết thực, thể hiện vai trò dẫn dắt của thanh niên trong bảo vệ cộng đồng trước các hành vi độc hại trên mạng.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong lĩnh vực này, cần sự chung tay từ nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục và tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận thông tin chính xác, rèn luyện kỹ năng số và tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao an toàn mạng. Đồng thời, mỗi thanh niên cũng cần nhận thức rằng việc giữ gìn môi trường mạng lành mạnh là trách nhiệm của chính mình - không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, không phát tán nội dung kích động thù hằn, và mạnh dạn báo cáo những hành vi sai trái với cơ quan chức năng.
An ninh mạng không chỉ là một khái niệm mang tính kỹ thuật, mà còn là biểu hiện của văn hóa số, đạo đức số. Thanh niên, với tinh thần trách nhiệm, năng động và hiểu biết, hoàn toàn có thể trở thành lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường mạng an toàn, lành mạnh – không chỉ cho bản thân, mà còn vì sự phát triển bền vững của cộng đồng và đất nước.