Những ngày tháng 7, Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và người dân Bình Phước căng mình tập trung với những chỉ đạo quyết liệt, giải pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch. Lực lượng tuyến đầu ngày đêm quên mình trên các trận tuyến; không nề hà khó khăn, hiểm nguy, bất chấp nắng gió, mưa dầm, thiếu ăn, mất ngủ, kiên quyết giữ vững thành trì chống dịch.
Góp phần nâng cao ý thức, động viên tinh thần, sẻ chia trách nhiệm trong đại dịch, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã đăng tải nhiều bài viết mang ý nghĩa tuyên truyền, trong đó có bài thơ “Giãn cách để… gần nhau hơn” của tác giả Thắm Nguyễn. Tôi đã thuộc ngay chỉ sau vài lần đọc.
Bài thơ viết tặng lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 câu, theo thể thơ tự do. Những câu thơ được đặt trong mối quan hệ giả thiết - kết quả, nhưng “kết quả” trong bài thơ không mặc định mà đó là những lời khuyên, lời nhắn nhủ đầy tâm tư của người “chồng” đang làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi tuyến đầu chống dịch. Đó có thể là một chiến sĩ công an, bộ đội, một bác sĩ hay đơn thuần là một thanh niên tình nguyện. Hình ảnh anh cùng đồng đội mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay kín mít chạy như thoi đưa truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đôi khi quên cả giờ ăn, giấc ngủ… Nhưng các anh mãi là niềm tin, niềm kiêu hãnh, tự hào của em và gia đình, những người được xem là hậu phương vững chắc cho anh “đi hết cuộc chiến này”. Nơi tiền tuyến khó khăn là vậy, anh vẫn vững tin vì có em ở nhà làm trụ cột thay anh.
Giãn cách xã hội là một giải pháp duy trì khoảng cách vật lý giữa người với người, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Giãn cách, phố xá lặng thinh, đìu hiu không còn tấp nập dòng người qua lại. Thế nhưng, em đừng buồn, đừng hoang mang ngay cả khi anh trở thành F0, F1 em nhé! Làm sao không không ngóng, không chờ?! Làm sao không buồn, không âu lo?! Song, “Lời động viên của người chồng sẽ làm mâm cơm bớt nguội. Trái tim vợ sẽ ấm lại phần nào”…
Với quyết tâm chiến thắng đại dịch, anh, em và cả đất nước ta sẽ chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, làm nên đại thắng. Rồi mai này Covid-19 được đánh bay, anh sẽ trở về cùng em đi dạo, ngắm hoàng hôn tĩnh lặng, hít thở không khí trong lành ở những nơi em thích. Em lại sẽ thấy dòng người tấp nập, phố xá đông vui, nhà máy, công trường rộn vang tiếng hát, nhà nhà rộn rã tiếng trẻ thơ.
Hai câu thơ cuối gửi đến thông điệp: Hãy vững tin vào phía trước, tin vào chủ trương, chính sách và đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch; tin vào sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là nhân dân cả nước vốn có truyền thống đoàn kết tự bao đời. Giãn cách để… gần nhau hơn là thế.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn