Tại Bình Phước, rượu cần của đồng bào dân tộc S’tiêng là một trong những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng khi du khách ghé thăm không thể bỏ qua. Trong đó, rượu cần của Hợp tác xã (HTX) nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một điển hình.
HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai thành lập cuối năm 2021 với 10 thành viên chuyên nấu rượu cần. Hiện số thành viên của HTX đã tăng lên 20 người, phần lớn đều là người dân trong thôn Đắk Mai. Dù mới thành lập nhưng HTX đã tạo động lực để nông dân bắt tay vào xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế, khai thác hiệu quả các thế mạnh về sản vật của nông - lâm nghiệp và làm dịch vụ tại địa phương. Hiện HTX đang tập trung vào 2 nhóm dịch vụ chính là cây ăn trái và sản phẩm rượu cần. Với lợi thế là sản phẩm truyền thống của người dân địa phương, rượu cần đang là sản phẩm phục vụ du khách nhiều năm nay. Chỉ tính riêng dịp tết Nguyên đán 2022 vừa qua, số lượng rượu cần không đáp ứng đủ nhu cầu du khách đặt hàng. Còn các vườn cây ăn trái của hội viên đang trong quá trình kiến thiết và hình thành. Giám đốc HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai Đậu Đình Hảo cho biết: “Chúng tôi rất tự tin khi xây dựng và thành lập HTX này. Bởi chúng tôi nhận thấy, phát triển du lịch sinh thái gắn với đánh thức, khai thác đặc trưng văn hóa của người dân địa phương là rất phù hợp và có nhiều tiềm năng”.
Thành viên Hợp tác xã nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai với những sản phẩm rượu cần
Có mặt tại nhà Phó giám đốc HTX Điểu Thấp, chúng tôi được chứng kiến quy trình nấu rượu cần. Theo bà Thị Bép, người có nhiều năm kinh nghiệm làm rượu cần, để có những vò rượu ngon, đậm đà, đúng chất của Đắk Mai, mọi việc không chỉ là nấu cơm, trộn men, lên vò ngâm ủ… mà là cả một quy trình rất cầu kỳ. “Nguyên liệu để tạo men rượu là từ lá rừng, lá thuốc nam với 2 loại lá đặc trưng, đồng bào chúng tôi gọi là lá kop và lá la-ôn. Sau khi hái về phải phơi khô, sao chế, trộn với vỏ cây rừng, còn gạo thì phải là gạo lứt. Có vậy mới cho ra vò rượu cần đúng chất Đắk Mai” - bà Thị Bép chia sẻ.
Ngoài ra, việc chọn lá đảm bảo chất lượng của men rượu cần cũng đòi hỏi có kinh nghiệm, không phải cứ đúng loại cây là hái về sử dụng. Là người nhiều năm thường xuyên vào rừng hái lá làm men rượu cần, chị Thị Hương, thành viên HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai chia sẻ: “Mỗi tháng, mình đi rừng hái lá từ 1-2 lần. Đối với lá kop mình bẻ lá to già, lá non để lại, còn lá la-ôn thì bẻ mấy nhánh non trước, mấy nhánh già quá hoặc sát đất thì không dùng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và men sẽ ngon hơn”.
Bù Gia Mập là xã biên giới, địa bàn vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73%, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xã Bù Gia Mập có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập; thác Đắk Mai, rượu cần, canh thụt, rau nhíp… Đây là tiền đề, động lực để xã Bù Gia Mập nói chung và HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Đắk Mai nói riêng xây dựng và phát triển du lịch sinh thái gắn với khai thác thế mạnh về sản vật địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Nguyễn Minh Phúc kỳ vọng: “Về phía địa phương, chúng tôi sẽ quan tâm đẩy mạnh phát triển HTX này nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Chúng tôi xác định, ngoài rượu cần phải phát triển kết hợp với du lịch địa phương, du lịch sinh thái, cơm lam, hàng thổ cẩm… Trên cơ sở đó sẽ tạo thêm nhiều việc làm, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân”.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn