Cứ vào giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 (dương lịch), tức vào đầu mùa mưa, trước Tết Chol Chnam Thmay, đồng bào Khmer ở Bình Phước tổ chức lễ hội Sene Neak Ta nhằm thể hiện niềm tin của con người vào đấng siêu nhiên đã che chở con dân trong phum, sóc sản xuất được mùa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bà con xã Nha Bích diễu hành trong lễ hội Sene Neak Ta
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Neak Ta hay gọi là “ông Tà”, là vị thần trông coi từng khu vực lớn, nhỏ, từ thửa ruộng đến địa phận phum, sóc. Vị phúc thần này bảo hộ cuộc sống và sức khỏe cho con người đồng thời có thể xét xử, giải quyết tranh chấp cho bà con. Vì thế, tùy từng nơi và phạm vi ảnh hưởng của Neak Ta mà việc cúng được tổ chức lớn hay nhỏ.
Tại xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vừa diễn ra lễ hội Sene Neak Ta với hàng trăm người tham gia. Mỗi người mang những dụng cụ, các lễ vật đã chuẩn bị từ trước để đi diễu hành và được hóa trang thành những nhân vật rất riêng. Ngoài ra, lễ vật phong phú hơn mỗi khi đoàn diễu hành đến từng nhà thường được chủ nhà cho 1 con gà, 1 chai rượu, 1 nải chuối xiêm, 1 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa. Sau đó, tất cả mọi người người tập trung tại miếu Neak Ta để làm lễ cầu an.
Trẻ em được những người lớn tuổi cột chỉ tay cầu an trong ngày lễ hội
Trong nghi thức cúng, người đại diện con dân trong phum, sóc báo cáo với ông Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ ông Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho việc sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao. Sau các nghi thức cúng là thỉnh các vị sư thọ thực (dùng cơm), kế đến là bà con trong phum, sóc cùng nhau dùng cơm. Bữa cơm này người Khmer gọi là bữa cơm đoàn kết (Samaki). Đặc biệt, tính cộng đồng được thể hiện rõ trong buổi lễ này.
Sene Neak Ta là lễ hội mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer thể hiện niềm tin của con người vào thiên nhiên và là sợi chỉ kết nối cộng đồng.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn