Như chúng ta đã biết tai nạn đuối nước hiện nay là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất so với các tai nạn thương tích ở trẻ em. Để nắm bắt được thông tin nguyên nhân gây nên tai nạn đuối nước cũng như cách xử trí tình huống khi gặp tai nạn đuối nước và cách phòng tránh giảm thiểu tai nạn đuối nước. Xin mời quý vị và các bậc phụ huynh các em học sinh cùng chú ý đón nghe nội dung chương trình bài viết phòng chống tai nạn đuối nước.
Để phòng chống tai nạn đuối nước PHHS cần cho con em mình tham gia học các lớp phổ cập Bơi
Theo thống kê của các cơ quan chức năng một năm nước ta có hơn 3000 trẻ em bị đuối nước trong đó trẻ em nam bị đuối nước nhiều gấp 2 lần trẻ em nữ và cứ 01 trường hợp tử vong vì đuối nước thì có 02 trường hợp suýt chết đuối và gần 70% trẻ em bị chết đuối, suýt chết đuối là dưới 15 tuổi đặc biệt độ tuổi nguy hiểm nhất là độ tuổi từ 5 đến 9 tuổi. Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện Bù Đăng có gần 42 ngàn trẻ em, chiếm trên 28% dân số toàn huyện. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 07 vụ tai nạn đuối nước khiến 08 cháu bị tử vong.
Theo kế hoạch trong dịp hè 2024, UBND huyện Bù Đăng phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước sẽ mở 02 lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em là các học sinh khối lớp 4, 5, 6 và 7 thuộc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn trên địa bàn hai xã Bom Bo và Nghĩa Trung, mỗi lớp từ 150 đến 200 học sinh.
Điểm chung của những vụ đuối nước thương tâm gần đây trên địa bàn huyện phần lớn đều xảy khi trẻ vui chơi gần nhà tự đi tắm ở ao, hồ sông, suối, đặc biệt là những hố nước dùng để tưới tiêu vào mùa khô mà không có người lớn đi cùng. Đây thực sự là những con số rất xót xa nó là một gánh nặng đối với sự an toàn của trẻ và gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đáng tiếc này đó là do môi trường, do trẻ không biết bơi, do những người làm cha mẹ vô ý và chủ quan đối với con em mình. Từ một số nguyên nhân trên cha mẹ là những người có vai trò chủ chốt trong việc hướng dẫn con mình kỹ năng bảo vệ bản thân khi không may đối diện với trường hợp nguy hiểm dưới nước. Sau đây là kỹ năng phòng tránh đuối nước.
1. Nhận biết những nơi có thể xảy ra đuối nước:
Đuối nước là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với trẻ nhỏ, có thể xảy ra đối với trẻ ở bất cứ nơi nào có nước như ao, hồ, sông, suối, giếng nước, các công trình xây dựng, hố nước dùng để tưới tiêu, đường làng, ngõ xóm, rãnh, mương, cống nước bị ngập lụt ngày mưa. Thậm chí những vật chứa nước nhỏ như: bể cá cảnh, xô, thùng, bồn cầu, bồn tắm, chum, vại,..có chứa nước cũng có thể gây nên đuối nước cho trẻ.
2. Kỹ năng phòng chống đuối nước:
Đối với người lớn cần lấp kín, đạy lắp các hố công trình, rãnh nước sau khi sử dụng, làm nắp đậy chắc chắn an toàn cho giếng bể nước, chum, vại không được lơ là trong việc trông giữ trẻ đặc biệt ở những nơi vùng sông nước. Đối với trẻ nhỏ tuyệt đối không nên chơi gần bờ ao, hồ, sông, suối hoặc gần bất cứ một dụng cụ chứa nước nếu không có sự giám sát của người lớn, không được tắm nghịch nước khi chưa được sự đồng ý của bố mẹ, không được tắm sông, nhảy cầu, phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy. Làm quen với nước và tập một số động tác rèn luyện để phòng chống đuối nước cùng người lớn. Nếu thấy bạn chẳng may bị ngã xuống nước, không tự ý nhảy xuống cứu bạn khi chưa biết bơi và lập tức gọi ngay người lớn để được cứu giúp.
3. Cách xử lý cơ bản khi trẻ bị đuối nước:
Lập tức đưa trẻ lên khỏi mặt nước, kê cao đầu kiểm tra xem trẻ còn thở hay không bằng cách đẩy đầu trẻ về phía sau nâng đầu lên cho 2 hàm răng gần như chạm nhau. Quan sát và lắng nghe hơi thở của trẻ nếu trẻ không còn thở phải hô hấp nhân tạo ngay bằng cách bịt mũi trẻ dùng miệng ngậm kín miệng trẻ, thổi hai hơi liên tiếp để hơi đầy phổi. Nếu tim trẻ đã ngừng đập cần hô hấp nhân tạo, cần ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đan 2 bàn tay vào nhau và đặt tay lên vùng giữa ngực trẻ cứ ấn xuống khoảng 30 lần và thổi ngạt 2 cái, đến khi có sự trợ giúp của y tế hoặc trẻ bắt đầu cử động được. Sau khi trẻ tỉnh lại cần giữ ấm cho trẻ và gọi 115 để xin sự cứu trợ của y tế hoặc 111 tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em.
“Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu,
và không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó, không ai phải trải qua cả”.