Phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Chắc chắn những giá trị vốn có ấy của dân tộc sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với khát vọng "chấn hưng văn hóa Việt Nam". Để chấn hưng văn hóa, để văn hóa nước nhà có vị thế và chỗ đứng trên thế giới, những người làm văn hóa xác định cần "đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia". Để làm rõ hơn những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
Thưa ông, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dân tộc. Theo ông, hiện nay vai trò và vị thế của văn hóa đã được sánh ngang tầm với kinh tế, chính trị?
- Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như các Nghị quyết chuyên đề, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá; của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh; là động lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bác Hồ nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", khó có cách diễn đạt nào hay hơn để nói về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá.
Trong các Văn kiện chính thức của Đảng, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cũng luôn nhấn mạnh: Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn. Đất nước và nhân dân cũng rất mong đợi phải làm được như thế.
Để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, theo ông thời gian tới chúng ta cần phải làm gì?
- Chúng ta đã có những chủ trương đúng, có rất nhiều bài học tốt trong quá khứ. Đất nước ta có truyền thống văn hóa tốt đẹp hết sức đáng tự hào, lại sống trong một thế giới giao lưu rộng mở. Chúng ta có một nhân dân giàu lòng yêu nước, sáng tạo và thông minh. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu văn hóa và có truyền thống văn hóa "Bầu ơi thương lấy bí cùng"; "Thương người như thể thương thân"...
Có nhiều điều nhân dân trông thấy rõ. Đảng cũng đã nhìn thấy và đang quyết tâm chỉ đạo. Như lúc này, để khắc phục những yếu kém, rất cần sự nêu gương của lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên. Nêu gương trong tư duy đổi mới, sáng tạo; trong nói và làm; trong rèn luyện, phấn đấu. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Đấy là câu khẩu hiệu đầy chất văn hóa, mãi mãi đúng và cần được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Đấy là khẩu hiệu thống nhất giữa chính trị và văn hóa; giữa nói và làm. Đấy cũng là ý Đảng, lòng dân.
Tôi vẫn luôn khẳng định, điều lớn nhất để phát huy văn hóa là từng con người, gia đình cần coi trọng văn hóa hơn nữa. Văn hóa có được coi trọng thì con người, gia đình, đất nước mới có nhiều thành công, hạnh phúc.
Chúng ta cần làm thế nào để gìn giữ được bản sắc văn hóa, phát huy "sức mạnh mềm" này trong quá trình phát triển và hội nhập, thưa ông?
- Ông cha ta có lòng tự hào, tự tôn về văn hóa rất mạnh mẽ. Lý Thường Kiệt đã từng tuyên bố: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư…"; Nguyễn Trãi tự hào với truyền thống, vị thế tự cường của một dân tộc "Vốn xưng nền văn hiến đã lâu", Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ với lời tuyên ngôn bất hủ: "Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
"Sức mạnh mềm" về văn hóa là khái niệm tuy mới nhưng trong thực tiễn nguồn lực văn hóa tiềm tàng, nội sinh trong lòng dân tộc đã có từ nghìn đời nay.
Chúng ta đã có không ít những giá trị "sức mạnh mềm" lan toả, góp phần vào kho tàng văn hóa chung nhân loại. Từ thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới càng thêm khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển. Phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Chắc chắn những giá trị vốn có ấy của dân tộc sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Chúng ta cũng cần phòng, tránh sự cực đoan. Bảo tồn giá trị văn hóa hoặc bổ sung, tiếp thu đều cần phải chọn lọc. Đó là một quá trình phát triển, đổi mới, học tập và tiếp thu không ngừng, tự làm giàu cho bản thân và góp phần lan tỏa ra thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Bộ VHTTDL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn