NHỮNG CÁI BẪY “NGỌT NGÀO”…
Chị T.T.H.T (32 tuổi), trú huyện Đồng Phú gửi đơn tố giác đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh. Trong đơn, chị T.T.H.T trình bày: Ngày 17-7-2022, qua mạng xã hội, tôi được một nhân viên hướng dẫn tải app Shopee làm CTV cùng tham gia nhiệm vụ kiếm tiền trực tuyến trên Shopee. Sau đó, tôi được nhân viên giới thiệu làm trên app Telegram, nhân viên tên Nga Hoàng tư vấn và hỗ trợ (thông tin nhân viên: Hoang199nga1991, số căn cước công dân 042191002748 tên Hoàng Thị Nga, sinh ngày 4-4-1991, nơi thường trú: tỉnh Hà Tĩnh). Lần giao dịch đầu tiên, tôi nạp số tiền 300 ngàn đồng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi được nhận về 380 ngàn đồng. Lần giao dịch tiếp theo, tôi nạp 300 ngàn đồng và nhận về 345 ngàn đồng. Sau đó, tôi tiếp tục nộp 10 triệu đồng và nhận về 12 triệu đồng. Do liên tiếp 3 lần nạp tiền vào app đều có lợi nhuận nên tôi tin tưởng và liên tục thực hiện các giao dịch nạp tiền. Từ ngày 18-7 đến 20-7-2022, tôi đã nạp tổng hơn 4,2 tỷ đồng nhưng sau đó không thể rút tiền ra được. App thông báo nhiều lý do và yêu cầu tôi phải nạp thêm 2 tỷ đồng để nâng cấp lên gói CTV VIP. Lúc này, tôi mới nhận ra mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an.
Một số giấy tờ có dấu mộc đỏ kẻ lừa đảo gửi cho nạn nhân để tạo sự tin tưởng khi giao dịch với chúng
Trước đó, Công an TP. Đồng Xoài cũng tiếp nhận đơn tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do anh T.Đ.S, 35 tuổi, trú phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài gửi tới. Trong đơn, anh T.Đ.S trình bày: Ngày 15-6-2022, tôi đăng ký vào trang web: http://sendo-vn.com và đăng ký tài khoản CTV để thực hiện nhiệm vụ mua bán hàng hóa trên web. Hình thức mua bán chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của tôi sang tài khoản mang tên TRAN HOANG PHUC (số tài khoản 100008988007), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân, thuộc web: http://sendo-vn.com. Số lượng đơn hàng và giá trị ngày càng tăng, khi tổng giá trị 5 đơn hàng là hơn 130 triệu đồng, thì chăm sóc khách hàng (CSKH) báo tôi phải nạp 60 triệu đồng vào quỹ dự phòng theo số tài khoản 100008988007 để được nhận lại tiền. Nhưng sau khi đã nạp 60 triệu đồng thì CSKH lại báo tôi phải nạp thêm 80 triệu đồng để lấy mã nhận tiền mặt ngoài đại lý Viettel, công ty Sendo không cho chuyển khoản nữa. Sau đó, tôi nạp tiếp 80 triệu đồng thì CSKH lại báo tôi mới chỉ nhận được 1 mã, tôi phải nạp thêm 160 triệu đồng nữa để nhận thêm 2 mã, phải đủ 3 mã tôi mới ra đại lý Viettel rút tiền được. Đến lúc này, tôi nhận thấy nếu có nạp tiền vào tài khoản theo yêu cầu của CSKH nữa thì cũng sẽ không nhận lại được tiền của mình. Lúc này, tôi biết đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền 270 triệu đồng.
“Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất tài sản, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng CTV qua mạng; thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử chongthurac.vn; chongluadao.vn. Khi nhận được thông tin quảng cáo từ các lời chào mời với mức thu nhập hấp dẫn, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin của doanh nghiệp qua kênh thông tin chính thống để được kiểm chứng”. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo |
Ngoài đơn tố giác tội phạm, các nạn nhân còn giao nộp cơ quan công an một số giấy tờ có dấu mộc đỏ được kẻ lừa đảo gửi trước đó nhằm mục đích tạo sự tin tưởng khi giao dịch với chúng.
…VÀ LỜI CẢNH BÁO CỦA CƠ QUAN CÔNG AN
Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, đơn vị đã tiếp nhận rất nhiều tin báo, tố giác tội phạm của người dân trên địa bàn tỉnh. Qua tổng hợp nhận thấy, các đối tượng thường gửi tin nhắn tuyển CTV qua các ứng dụng nhắn tin SMS đến số điện thoại hoặc quảng cáo qua trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… với mức thù lao hấp dẫn cho người tham gia làm CTV. Ngay sau khi CTV có nhu cầu phản hồi, đối tượng sẽ gửi đường dẫn giả mạo các sàn thương mại điện tử, như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… để mời chào thực hiện nhiệm vụ. Đối tượng hướng dẫn CTV đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, yêu cầu CTV phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Những lời mời “ngọt ngào” qua tin nhắn của kẻ lừa đảo
Thực tế cho thấy, để dễ dàng thực hiện các vụ lừa đảo thành công, đối tượng nắm bắt được tâm lý hám lời của một số người. Ban đầu là những giao dịch của kẻ lừa đảo đưa ra có giá trị nhỏ chỉ vài trăm ngàn đồng, CTV được yêu cầu thực hiện các bước như xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Kết thúc giao dịch, CTV sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng. Đến khi CTV cảm thấy công việc hấp dẫn, dễ kiếm tiền, đối tượng lừa đảo sẽ dẫn dụ họ làm những giao dịch với đơn hàng có giá trị cao hơn, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Sau khi thực hiện xong giao dịch, CTV sẽ nhận được thông báo phải thực hiện từ 2-3 giao dịch mới được hoàn lại tiền. Khi thực hiện đủ các giao dịch thì nhận được thông báo hệ thống đang bảo trì, bị lỗi hoặc phải thực hiện thêm các nhiệm vụ khác như đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc nạp thêm tiền nhận mã… với rất nhiều lý do được đưa ra. Đến lúc này, nạn nhân không còn khả năng nạp tiền nữa mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn