Môn bắn nỏ với những đặc trưng những tưởng chỉ phù hợp với nam giới , nhưng tại những dịp lễ hội hay các kỳ liên hoan văn hóa thể thao cấp, xã, huyện, tỉnh vẫn có nhiều VĐV nữ tham gia tranh tài. Họ là những “bóng hồng” đam mê đường tên bay, thậm chí là những “tay thiện xạ”.
Theo lời giới thiệu của chị Đặng Xuân Nhạn, chủ tịch Hội PN xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với 2 nữ “thiện xạ” môn bắn nỏ của xã Đồng Tiến.
Tình cờ đến với môn bắn nỏ năm 2013, từ đó đến nay, chị Đàm Phi Lương (33 tuổi), ở ấp 4, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đã tham gia tranh tài tại nhiều kỳ hội thao lớn nhỏ trong huyện, tỉnh và giành được nhiều huy chương vàng, huy chương bạc. Chị Lương chia sẻ: “Trước kia mình chơi rất nhiều môn thể thao nhưng từ khi làm quen với môn bắn nỏ, mình mê môn này lúc nào không hay. Môn thể thao này đòi hỏi người chơi có sự hiểu biết, khổ luyện và nhiều “mẹo nhỏ” để mỗi khi giương nỏ là trúng đích. Để từng bước nâng cao thành tích của bản thân, mỗi buổi tập luyện mình đều đặt ra mục tiêu. Sau mỗi lần bắn chưa đạt mục tiêu, mình lại tự phân tích tìm nguyên nhân và điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật cho đến khi đạt được mục tiêu mà mình đặt ra”. Nghe Lương say sưa kể về kinh nghiệm bắn nỏ, về những đường tên bay, tôi hiểu niềm đam mê môn thể thao dân tộc đã “ăn” vào máu. Không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, đó còn là món ăn tinh thần, đem lại niềm vui cho cô. Lương cho biết thêm, hiện nay tuy không có thời gian tham gia luyện tập thường xuyên như trước nhưng có tổ chức giải là đều tham gia cho đỡ nhớ “nghề”, thành tích gần đây nhất của Đàm Phi Lương là 01 huy chương đồng và 01 huy chương vàng tại Đại hội TDTT tỉnh Bình Phước lần thứ VI năm 2022.
Cùng niềm đam mê với môn bắn nỏ, chị Điểu Thị Bách (xã Đồng Tiến) bày tỏ: “Từ bé, khi tham gia các ngày hội thể thao ở xã, tôi rất ấn tượng với môn bắn nỏ. Vì vậy, tôi thường xuyên đi theo các cô, các chú để học hỏi và tham gia luyện tập. Sau những giải thi đấu và các buổi giao lưu, tôi lại rút ra được nhiều bài học, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Đối với tôi, bắn nỏ không đơn thuần chỉ là môn thể thao ưa thích, mà còn là trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp của các môn thể thao dân tộc truyền thống”.
Những ai yêu thích môn bắn nỏ hẳn không lạ với cái tên Dương Thị Tấm (ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú). Trong các giải thể thao của tỉnh, của huyện có môn bắn nỏ thì chị đều góp tên trong đội hình thi đấu chính thức.
Chị Dương Thị Tấm chia sẻ kinh nghiệm, bắn nỏ đòi hỏi kỹ thuật khéo léo nhưng quan trọng hơn là phải chọn được cây nỏ phù hợp với thể trạng, sức khỏe của người bắn, từ đó người bắn điều khiển được nỏ một cách thành thục nhất. Để có một cây nỏ tốt cần chọn gỗ vừa dẻo vừa có độ đàn hồi cao làm cánh nỏ. Dây nỏ phải chọn những cây gai đủ độ tuổi, có như thế nỏ mới chắc, không bị đứt.
Từ ngày bắt đầu làm quen với cây nỏ, đến nay dù đã ở tuổi 45, chị Tấm vẫn coi đây là môn thể thao yêu thích, gắn bó với mình. Từ những hoạt động giao lưu thể thao ở xã, huyện, dần dần bơi ra “biển lớn”, tại các kỳ hội thao của tỉnh, rồi khu vực, quốc gia chị mạnh dạn đăng ký thi đấu. Ban đầu là thi đấu nội dung đồng đội, sau này khi vững kỹ thuật hơn, chị mạnh dạn thi đấu nội dung cá nhân. Gần đây nhất, tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII năm 2021, chị Tấm đã xuất sắc mang về cho Huy chương Vàng ở nội dung quỳ bắn nhanh cá nhân, năm 2022 chị tham gia Đai hội TDTT tỉnh Bình Phước lần thứ VI năm 2022 và cũng giành được HCV. Nhìn cách chị Tấm kiểm tra nỏ, mũi tên và tra mũi tên vào nỏ, ngắm bắn với những động tác nhanh, quyết đoán, ai cũng trầm trồ, ngưỡng mộ. Với niềm đam mê, mỗi ngày khi đã xong công việc vườn rẫy, việc nhà, chị lại dành thời gian luyện tập bắn nỏ, đồng thời chia sẻ với những người có cùng niềm yêu thích.
Ngoài chị Lương, em Bách, chị Tấm , Đồng Phú còn có nhiều tay bắn nỏ nữ xuất sắc khác. Tham gia môn này, mỗi nữ vận động viên đều hiểu rằng bắn nỏ đòi hỏi người chơi có sự hiểu biết nhất định, phải khổ luyện và có “mẹo” để mỗi khi giương nỏ lên là một lần trúng đích, từ đó nỗ lực, kiên trì hơn mỗi ngày. Họ coi môn thể thao truyền thống của dân tộc là môn rèn luyện sức khỏe, là “món ăn” tinh thần nên luôn trân trọng, giữ gìn.
Chị Dương Thị Tấm (ngoài cùng bên phải) tại Đại Hội TDTT tỉnh Bình Phước lần thứ VI.
Mỗi khi có thời gian rảnh, chị Đàm Phi Lương lại mang nỏ ra tập bắn.