Sáng ngày 28-4-2024, tại xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành (Bình Phước) đã diễn ra Lễ hội Bàu Vàng truyền thống của người X’tiêng, là một hoạt động văn hóa truyền thống đã có từ rất lâu đời, phản ảnh nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân người đồng bào X’tiêng ở địa phương. Dự có đại diện lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh Bình Phước, Bảo Tàng tỉnh Bình Phước, lãnh đạo thị xã Chơn Thành.
Ngay từ rất sớm hàng ngàn người dân là người đồng bào dân tộc X’tiêng bản địa và nhiều dân tộc anh em khác từ các ấp, sóc ở khu vực xã Quang Minh, Minh Lập (thị xã Chơn Thành) và Tân Quan, Phước An (huyện Hớn Quản) cùng nhau tập trung về khu vực Bàu Vàng, thuộc ấp Ruộng 3, xã Quang Minh để tham gia lễ hội Bàu Vàng. Mở đầu lễ hội đã diễn ra các hoạt động giao lưu múa hát văn hóa, văn nghệ của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Tiếp đó lãnh đạo xã Quang Minh đã lên ôn lại truyền thống lễ hội. Tiếng Cồng Chiêng của các già làng, người uy tín vang lên báo hiệu lễ hội chính thức được bắt đầu, đây cũng được xem như là lễ cúng trời đất. Đối với người đồng bào dân tộc X’tiêng bản địa nơi đây, Cồng Chiêng được coi là vật linh thiêng, là bản sắc văn hóa của cộng đồng chúc mừng lễ hội... Nét độc đáo nhất trong Lễ hội là nghi thức phá bàu, tức là người dân già, trẻ, gái, trai cùng nhau mang những dụng cụ nơm, đó, vó, chài, lưới..xuống bàu bắt cá. Theo quan niệm của dân tộc X’tiêng, nếu ai bắt được cá to và nhiều cá có nghĩa là sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp, may mắn trong năm…
Việc tổ chức Lễ hội Bàu Vàng truyền thống của người X’tiêng- xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng riêng của người đồng bào X’tiêng địa phương. Đồng thời phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, tinh thần đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Các đại biểu tham dự lễ hội
\
Giao lưu văn hóa văn nghệ của các đồng bào dân tộc tại lễ hội
Các già làng, người uy tín đánh cồng chiêng, cúng trời đất báo hiệu lễ hội chính thức được bắt đầu
Nghi thức xuống bàu bắt cá tại lễ hội