Người khuyết tật luôn nỗ lực hướng đến việc hòa nhập với các hoạt động xã hội một cách độc lập, trong đó có tự mình làm việc, tự trải nghiệm và đi du lịch. Người khuyết tật có nhu cầu cao về sử dụng dịch vụ, hạ tầng của ngành du lịch như tiếp cận các cơ sở lưu trú, sử dụng phương tiện vận chuyển khách du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh, tham gia các hội nghị, hội thảo…
Theo kết quả khảo sát của dự án "Thúc đẩy du lịch tiếp cận cho người khuyết tật tại Việt Nam", hiện nay người khuyết tật tại Việt Nam gặp nhiều hạn chế, thiếu thông tin về khả năng tiếp cận của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.
Rất nhiều khách sạn chưa được thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng.
Người khuyết tật đi du lịch: "khó trăm bề"
Tại Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch, người khuyết tật thường không biết nơi nào mình có thể tới được; hoặc không biết các điểm đến, khách sạn trong chương trình có khả năng tiếp cận ở mức độ nào. Các hội, nhóm người khuyết tật khi tổ chức các hoạt động cũng rất khó khăn khi tìm các địa điểm tổ chức sự kiện, lưu trú, tham quan, dịch vụ phù hợp.
Ngay cả các công ty lữ hành chuyên nghiệp cũng gặp khó khăn khi tổ chức tour du lịch cho người khuyết tật hoặc những người cao tuổi cần trợ giúp… Là một người khuyết tật làm việc lâu năm trong lĩnh vực du lịch, bà Trịnh Thị Thu Thủy chia sẻ: "Làm tour cho người khuyết tật hoặc người cần trợ giúp khá chật vật vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng được. Ngoại trừ một số địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM hay các khách sạn lớn, còn lại rất nhiều các cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Việt Nam không hỗ trợ cho người khuyết tật, dù là tại những trung tâm du lịch lớn ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng…"
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) là một trong những điển hình tốt về khả năng tiếp cận cho người khuyết tật.
Tại Hà Nội, một số điểm đến như Văn Miếu, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ là những điển hình tốt - nơi du khách khuyết tật có thể tiếp cận và có những trải nghiệm thú vị. Bảo tàng Phụ nữ có nhà vệ sinh phù hợp với người khuyết tật, xe lăn dành cho khách, lối đi riêng cho người dùng xe lăn và thang máy. Tuy nhiên, những mô hình như vậy không nhiều.
"Chúng tôi tư vấn được một số điểm để du khách khuyết tật có thể đi tham quan, nhưng nhà hàng, khách sạn thì rất khó khăn. Có những buổi sáng đi khảo sát hơn chục khách sạn mà không tìm được nơi nào phù hợp. Đơn cử như câu chuyện nhà vệ sinh, nhiều nơi nhà vệ sinh rất rộng nhưng cửa ra vào lại quá bé, hoặc lối đi đến nhà vệ sinh hẹp hay vướng bậc thang nên xe lăn khó tiếp cận được" - bà Trịnh Thị Thu Thủy cho biết.
Hiện nay, những người khuyết tật đã tự xây dựng trang web dulichtiepcan.com để cung cấp một số thông tin cơ bản về các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các công trình này. Tuy nhiên theo bà Thủy, nếu có sự hỗ trợ thì trang web mới có thể duy trì lâu dài, hoạt động hiệu quả và cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn.
Du lịch cho tất cả mọi người
Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD) đã quy định rõ quy chuẩn về lối vào, bậc, cửa, thang máy, phòng ở, phòng vệ sinh, phòng tắm, lối thoát hiểm… ở nhiều loại công trình bao gồm cả khách sạn, thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch hoặc không biết những tiêu chuẩn này, hoặc đã biết nhưng dường như làm cho có. Theo bà Trịnh Thị Thu Thủy, trên thế giới, các công trình công cộng, nhất là công trình phục vụ du lịch đã hướng tới kiến trúc phổ quát để tất cả mọi người đều có thể tham gia, sử dụng được mà không cần phải sửa chữa nhiều. Sự tiếp cận cho mọi người chính là yếu tố quan trọng của du lịch trách nhiệm và du lịch bền vững. Tuy nhiên tính phổ quát này đang thiếu vắng kể cả trong lĩnh vực du lịch hay kiến trúc, xây dựng tại Việt Nam.
"Bây giờ là thời điểm thích hợp để các cơ sở kinh doanh du lịch sửa chữa, cải tạo lại theo hướng phổ quát và tiếp cận, vì nhiều nơi cũng đang nâng cấp hạ tầng, trong giai đoạn thấp điểm vì tác động của Covid-19" – bà Thủy kỳ vọng.
Sự tiếp cận cho mọi người chính là yếu tố quan trọng của du lịch trách nhiệm và du lịch bền vững.
Tinh thần "du lịch cho tất cả mọi người" cũng là mục tiêu mà ngành du lịch toàn cầu đang hướng tới. Ông Zurab Pololikashvili - Tổng thư ký UNWTO cho rằng, ngành du lịch phải ưu tiên cho khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Đây sẽ là "lợi thế cạnh tranh" của các điểm đến và doanh nghiệp, giúp họ phục hồi, tăng trưởng sau khủng hoảng một cách toàn diện hơn. Trong đó, cần cải thiện dịch vụ, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa, đào tạo nhân lực phục vụ tốt các đối tượng du khách khác nhau và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để du lịch an toàn, dễ dàng hơn cho tất cả mọi người.
Theo báo cáo của UNWTO, thị trường khách du lịch khuyết tật tại các nước châu Âu lên tới 80 triệu người, trong đó 70% đủ khả năng tài chính và sức khỏe để đi du lịch. Chỉ tính riêng tại Tây Ban Nha, chi tiêu trung bình của du khách khuyết tật là hơn 800 EUR, so với mức 600 EUR của khách thông thường.
Tại Mỹ, hoạt động du lịch của người khuyết tật ngày càng tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2018 – 2019, đã có hơn 27 triệu lượt du khách khuyết tật, thực hiện 81 triệu chuyến đi và chi tiêu 58,7 tỷ đô la Mỹ (tăng 34,6 tỷ so với năm 2015). Trong đó, 15 triệu người khuyết tật đã có 29,6 triệu chuyến bay, chi tiêu 11 tỷ đô la Mỹ (tăng 9 tỉ so với năm 2015). Nguồn thu trên thực tế còn cao hơn nhiều lần, vì người khuyết tật thường đi du lịch cùng một vài người khác, theo nhận định của tổ chức Open Doors Organization.
Khi ngành du lịch phục hồi, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tại Việt Nam là những người khuyết tật; vì vậy để du lịch thực sự "cho tất cả mọi người" thì cần có những chính sách, những văn bản pháp luật chặt chẽ để người khuyết tật tiếp cận dễ dàng với các hoạt động du lịch./.
Du khách khuyết tật tham quan ga Đà Lạt (Lâm Đồng).
Nguồn tin: Kim Kha/http://asvho.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn