Nhằm nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của từng cá nhân trong xã hội, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm. Hành động đúng hôm nay là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2025 là dịp quan trọng để nhìn nhận lại công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước, đồng thời phát động phong trào thi đua thực hiện các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, công tác truyền thông cần tiếp tục được đặt ở vị trí trung tâm - như một cầu nối giữa chính sách và hành động, giữa chính quyền và người dân - góp phần tạo dựng một môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Theo đó, Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở như sau:
Về nội dung thông tin, tuyên truyền, tập trung:
- Các chính sách, pháp luật, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương.
- Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm, mức xử phạt.
- Công khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao; kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
- Tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác hành vi vi phạm. Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.
- Tuyên truyền để người dân có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan cùng cấp cung cấp nội dung tuyên truyền tại giao ban báo chí định kỳ ở địa phương. Phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hướng dẫn đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm để tuyên truyền trong các cơ quan, đơn vị, thôn, tổ dân phố. Thông tin, tuyên truyền trên đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử, trang thông tin điện tử.