Đến tháng 4-2024, chuyển đổi số quốc gia đạt được nhiều kết quả khả quan. Thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được tăng cường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tham luận tại hội nghị
Đến nay, 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. Phát triển dữ liệu số có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định; 11 bộ, ngành, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 43 địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở. Phát triển hạ tầng số có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng, 100% xã kết nối Internet cáp quang, di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước
Về phát triển Chính phủ số, Cổng dịch vụ công quốc gia có tổng số 13,2 triệu tài khoản người dùng, trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp. Về phát triển kinh tế số, tốc độ phát triển của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Tại Bình Phước, công tác chuyển đổi số thời gian quan luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Bình Phước luôn xác định dữ liệu số là nguồn tài nguyên quý trong kỷ nguyên số - một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh đã sớm quan tâm việc tạo lập, khai thác, sử dụng, tăng cường chia sẻ, kết nối dữ liệu số.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh được thành lập đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước nhằm mục tiêu từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực về trung tâm, giúp lãnh đạo tỉnh nhanh chóng nắm bắt, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời. IOC tỉnh Bình Phước được thiết kế nhằm cung cấp dữ liệu và xử lý trên 11 lĩnh vực để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ phân tích dữ liệu do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để chỉ đạo, điều hành việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, số liệu thuộc lĩnh vực quản lý.
Qua thời gian hoạt động, IOC tỉnh đã giúp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nắm bắt rõ hơn tình hình, nhất là tình hình kinh tế - xã hội; khai thác dữ liệu tập trung giúp tăng cường tính minh bạch và tăng hiệu quả quản lý. Hệ thống dữ liệu đã tích hợp và tối ưu hóa các nguồn lực.
Ba bài học lớn mà Bình Phước rút ra trong quá trình chuyển đổi số: Thứ nhất, tiếp thu sự chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, sự vào cuộc của đội ngũ lãnh đạo, bằng quyết tâm chính trị cao với phương châm “muốn làm, biết làm, cùng làm và say sưa làm”. Thứ hai, căn cứ tình hình thực tế nên không cầu toàn đưa ra yêu cầu trong thời gian ngắn là phải có số liệu điều hành ngay, mà giai đoạn đầu chỉ đưa lên bộ khung, từ đó chỉ đạo từng bước hoàn thiện. Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo cán bộ, công nhân viên chức và người dân trong việc sử dụng, tương tác các ứng dụng thành phần. Song song đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại IOC từ tỉnh đến cơ sở. |
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định: Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục đổi mới, kế thừa, phát huy hơn nữa kết quả đạt được, học hỏi từ những kinh nghiệm quý của các tỉnh, thành phố; bám sát chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và thực tiễn của địa phương để triển khai hiệu quả hơn nữa.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn