BÁO CÁO
Kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Phước
I. Kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử
1. Kết quả xây dựng và triển khai chính sách
Từ đầu năm 2021 đến nay UBND tỉnh đã ban hành 08 Quyết định (03 Quyết định quy phạm pháp luật và 05 quyết định cá biệt khác); Ban hành 4 Kế hoạch và nhiều văn bản khác.
(Đính kèm theo Phụ lục 1)
2. Kết quả triển khai thực hiện
a) Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.
Đã hoàn thiện kết nối thông suốt từ Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã (15 điểm cầu cấp tỉnh, 11 điểm cầu câp huyện và 111 điểm cấp xã. Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp đã trang bị như: VNPT Bình Phước, Viettel Bình Phước, Viện Kiểm sát tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bình đoàn 16, Điện lực tỉnh).
Từ đầu năm đến nay, Sở đã thực hiện kết nối tổ chức theo hình thức trực tuyến qua hệ thống Hội nghị truyền hình trên 280 cuộc họp giữa Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp huyện, cấp xã.
b) Hệ thống họp không giấy.
Phần mềm họp không giấy đã được triển khai trong các cơ quan đơn vị thuộc hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh qua hệ thống ecabinet, từ đầu năm đến nay đã có trên 492 cuộc họp được tổ chức qua hệ thống.
c) Hệ thống thư điện tử.
Đến nay, đã cấp 7.792 hộp thư công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 100%.
d) Quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh đã liên thông ngang dọc 4 cấp hành chính (TW - tỉnh - huyện - xã). Đã kết nối với Trục LGSP, đã có App trên thiết bị di động. Ước tính tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng đạt 96%, ngoài ra có 1.064 đơn vị đơn vị ngoài công lập đã kết nối vào trục LGSP.
đ) Chữ ký số.
Đã triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, hướng tới sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, Đến nay, đã cấp 2.797 chứng thư số của cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đang hoạt động. Trong đó: cá nhân là 2.385 chứng thư, tổ chức 412 chứng thư.
e) Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử.
- Cổng dịch vụ công của tỉnh hiện có tích hợp 1.864 thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, trong đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 406 dịch vụ; mức độ 4 là 1.237 dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
+ Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh mức độ 3, mức 4 là 1.643/1.864 đạt tỷ lệ 88,14%.
+ Tính đến ngày 28/7/2021, tỉnh Bình Phước có 1.161 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố)
+ Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đã được nâng cao (số liệu thống kê hằng ngày đạt trên 95%)
- Kết nối CSDL quốc gia dân cư
Sở Thông tin và Truyền thông đã đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thông tin của tất cả các sở có dịch vụ công của 03 huyện, thành phố và 03 phường, xã phục vụ thử nghiệm đến ngày 15/6/2021. Kể từ 01/7/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị đã kết nối đưa vào sử dụng chính thức 236 dịch vụ công trực tuyến (có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
f) Mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Mạng số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng và hoàn thành việc lắp đặt và kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đến nay, đã triển khai thuê mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho 145 cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, 149 cơ quan Đảng đơn vị trên địa bàn tỉnh, lắp đặt đường truyền cáp quang, thiết bị đầu cuối, hệ thống định tuyến Router chuyên dùng, 310 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt đường truyền cáp quang, thiết bị đầu cuối, hệ thống định tuyến Router chuyên dùng.
g) Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Tại các sở, ngành tiếp tục cập nhật và khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức, Cơ sở dữ liệu lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ), Cơ sở dữ liệu người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), Cơ sở dữ liệu lưu trú (Công an tỉnh), CSDL kinh tế xã hội, CSDL y bạ, CSDL bệnh viện (Sở Y tế), CSDL chuyên ngành tài nguyên và môi trường, CSDL đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường)...
h) Trung tâm điều hành thông minh.
UBND tỉnh đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh tỉnh Bình Phước, trong đó có bao hàm đô thị thông minh tại Thành phố Đồng Xoài. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh và IOC cấp huyện (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và thị xã Bình Long) đã được xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả. Đây là hợp phần quan trọng để tỉnh triển khai ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt cho quá trình phát triển đô thị, địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm IOC tỉnh đã tiếp nhận 37.719 cuộc gọi đến các đường dây nóng; hệ thống Social listening có 2.406 tin viết về Bình Phước (tin tích cực: 1.369, tiêu cực: 1.037); Báo chí có 1.385 tin (662 tin tích cực, trung tính; 723 tin tiêu cực); Mạng xã hội có 946 tin (674 tin tích cực, trung tính; 272 tin tiêu cực); Youtube có 72 tin (32 tin tích cực, trung tính; 40 tin tiêu cực); Diễn đàn có 03 tin (01 tin tích cực, trung tính; 02 tin tiêu cực).
i) Công tác an toàn, an ninh thông tin.
- Tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC), giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng, từ đó phối hợp phân tích, ngăn ngừa ứng phó xử lý sự cố hiệu quả trước các cuộc tấn vào hệ thống công nghệ thông tin đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
- Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và xử lý 203.603 mối nguy hại, trong đó có 198.423 mối nguy hại cao, 5.038 mối đe dọa nghiêm trọng.
k) Về nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức
Trong giai đoạn 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 41 lớp cho hơn 1.600 cán bộ, công chức, viên chức tham gia cập nhật kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính. Đã mở 126 lớp cho hơn 3.450 học viên là cán bộ thôn, ấp, người dân tham dự chương trình phổ cập kiến thức tin học căn bản, hướng dẫn sử dụng máy tính, sử dụng điện thoại thông minh trong việc kết nối, thao tác đơn giản thực hiện các giao dịch với Cổng dịch vụ công trực tuyến.
l) Về công tác tuyên truyền
Đã tổ chức được 64 kỳ tuyên truyền, 9 câu chuyện truyền thanh, xây dựng 12 video, phát hành 42.000 tờ rơi, hơn 2.600 sổ tay, đăng phát 65 tin, bài, video, phóng sự. Việc tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện đồng bộ trên các phương tiện, bao gồm: Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, trên Fanpage của Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang Zalo “Bình Phước Today” và các trang/nhóm Facebook của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho 520 học viên tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và những tiện ích trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao cho Đoàn Thanh niên làm lực lượng nòng cốt, xây dựng đề án và thành lập các lực lượng xung kích, tình nguyện hướng dẫn Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến tại các bộ phận một cửa liên thông ba cấp trong tỉnh. Sự tham gia của gần 1.000 thanh niên tình nguyện đã tạo chuyển biến quan trọng cho việc tiếp cận các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của người dân. Đã vận động các tập đoàn VNPT, Viettel hỗ trợ 950 điện thoại thông minh để cung cấp cho các đội hình thanh niên tình nguyện, trực tiếp hướng dẫn các thủ tục trực tuyến trong tỉnh.
II. Kết quả thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
1. Về tham mưu, xây dựng và triển khai các văn bản QPPL, chiến lược, kế hoạch, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 01/02/2021 của UBND tỉnh về Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, địa phương thông minh và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Phước năm 2021.
Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
2. Về tổ chức thực hiện
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 239-QĐ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ về thành lập Ban chỉ đạo; tổ Chuyên gia, tư vấn; Tổ kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước (Ban chỉ đạo NQ 04). Qua đó, phân công cụ thể đến từng thành viên, từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, xác định nguồn kinh phí và thời gian thực hiện từng nhiệm vụ, để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân.
Ban chỉ đạo NQ 04 đã giao các cơ quan, đơn vị thực hiện 23 nhiệm vụ. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang gấp rút tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2021 (tiến độ thực hiện 23 nhiệm vụ theo phụ lục 2 kèm theo).
3. Về xếp hạng chuyển đổi số
Theo kết quả chẩm điểm Chuyển đổi số cấp tỉnh dự kiến lần 1 của Cục Tin học hóa, Bình Phước xếp thứ 25/63 (trong đó: Xếp hạng Chính quyền số 24/63; Kinh tế số 37/63; Xã hội số 15/63)
4. Về giám sát, kiểm tra về chuyển đổi số
Tỉnh ủy đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hàng ngày việc số hóa văn bản của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp xã; số hóa các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp;
III. Đánh giá chung
Hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh. Hạ tầng CNTT từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các dịch vụ công hướng đến người dân và doanh nghiệp được chú trọng phát triển và ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng.
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh đưa vào vận hành giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành.
IV. Phương hướng và nhiệm vụ thời gian tới.
Phấn đấu đến năm 2026, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng. Quản lý xã hội số, đảm bảo cho các giao dịch trên không gian mạng an ninh, an toàn. Cụ thể:
- Mỗi người dân có danh tính số, có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng.
- Mỗi người dân đều có hồ sơ sức khoẻ số. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai quản lý trên môi trường số, khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
- Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về quá trình học tập. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai quản lý dạy và học trên môi trường số, triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, khuyến khích các mô hình đào tạo mới.
- Người nông dân có khả năng truy nhập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy suất nguồn gốc, giảm phụ thuộc vào các khâu trung gian.
- Tăng cường phổ cập các kỹ năng số cho người dân, “xoá mù công nghệ số” cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
- Lắp đặt các hệ thống quản lý, điều khiển giao thông thông minh, ứng dụng thu phí không dùng tiền mặt trên tất cả các tuyến giao thông.
- Hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất kinh doanh.
- Nâng cao chất lượng cung cấp DVC trục tuyến, chuyển dịch hoàn toàn lên môi trường số, ưu tiên các thủ tục hành chính có số lượng phát sinh nhiều hồ sơ như đất đai, xây dựng, phí và lệ phí,…
- Công tác đảng chuyển lên môi trường số phù hợp với nhiệm vụ công tác và các qui định của Đảng.
- Tập trung xây dựng và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu: Tài nguyên môi trường, qui hoạch, doanh nghiệp, công dân, các dữ liệu chuyên ngành.
- Hoàn thành xây dựng các trung tâm điều hành thông minh cấp huyện vào năm 2022.
- Một số chỉ tiêu cụ thể khác theo mục tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra.
Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông kính báo cáo./.